Categories Doanh nghiệp

SCIC: Thoái vốn Nhà nước ở 88 doanh nghiệp trong năm 2021

Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp mà SCIC dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2021. Trong đó, có 31 doanh nghiệp có mã cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Trong danh sách SCIC công bố, những cái tên đáng chú ý có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng là Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB). Doanh nghiệp này tính đến cuối năm 2020 có vốn điều lệ trên 6.400 tỷ đồng, trong đó SCIC sở hữu tới 36%; tổng tài sản trên 27.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cả năm đạt trên 4.900 tỷ đồng.

SCIC vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp mà SCIC dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2021. Ảnh: ST
SCIC vừa công bố danh sách 88 doanh nghiệp mà SCIC dự kiến triển khai bán vốn trong năm 2021. Ảnh: ST.

Công ty CP FPT (HoSE: FPT) là tập đoàn công nghệ/viễn thông, nằm trong top 3 doanh nghiệp có thị phần lớn nhất trên thị trường Internet băng thông rộng của Việt Nam và dẫn đầu về dịch vụ công nghệ. Tính đến cuối năm 2020, FPT có vốn điều lệ trên 7.700 tỷ đồng, tổng tài sản trên 41.700 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 đạt trên 4.400 tỷ đồng. SCIC hiện sở hữu 5,93% vốn điều lệ tại FPT.

Một doanh nghiệp nghìn tỷ khác cũng trong danh sách thoái vốn năm 2021 của SCIC là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT). Tỷ lệ sở hữu của SCIC tại Vinatex lên đến 53,49%. Vinatex có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 17.600 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020, lợi nhuận sau thuế cả năm khoảng 570 tỷ đồng.

Ngoài ra, Tổng công ty Sông Đà (UPCoM: SJG) với vốn điều lệ gần 4.500 tỷ đồng (SCIC sở hữu 99.79%); Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) có vốn điều lệ là trên 6.800 tỷ đồng (SCIC sở hữu 3.26%)…

Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá cao tiềm năng thoái vốn ở 13 doanh nghiệp có giao dịch trên các sàn chứng khoán bao gồm AGM, BMI, BVH, CAG, DT4, FIC, FPT, NTP, SAB, SEA, VGT, VNP, VOC.

Về tình hình thoái vốn, theo Cục Tài chính Doanh nghiệp, lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị gần 287 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng.

Đối với công tác bàn giao vốn về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), lũy kế 4 tháng đầu năm, SCIC đã tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu của 3 doanh nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (CTCP Du lịch và xúc tiến đầu tư, CTCP xuất nhập khẩu Vật tư thiết bị ngành in và CTCP Phim Giải phóng) với tổng giá trị phần vốn Nhà nước chuyển giao là 218 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2021, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp là 193 tỷ đồng. Số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách Nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 28/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021.

Năm 2021, SCIC đặt kế hoạch 6.498 tỷ đồng doanh thu và 3.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Con số này thấp hơn so với thực hiện 2020 lần lượt 18,2% và 49,8%.

Năm 2021, SCIC tiếp tục báo cáo, đề xuất cơ quan đại diện chủ sở hữu sớm hoàn tất thủ tục ghi nhận vốn điều lệ cho SCIC và các vướng mắc về pháp lý và cơ chế chính sách trong hoạt động của SCIC.

Về bán vốn, SCIC báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung các văn bản hướng dẫn về cơ chế bán vốn đặc thù trong hạ giá khởi điểm của SCIC, xác định giá trị văn hoá, lịch sử, đất thuê trả tiền hàng năm…

Về danh mục bán vốn, SCIC sẽ chủ động lựa chọn doanh nghiệp và thời điểm bán vốn phù hợp với tình hình doanh nghiệp và diễn biến thị trường để thực hiện nhằm mang lại hiệu quả cho Nhà nước.

Theo Bảo Phương/Chất lượng&cuộc sống