Categories Doanh nghiệp

Hỗ trợ hợp tác xã để phát triển kinh tế tập thể

TP.HCM triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX như xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX nông nghiệp; hỗ trợ chế biến sản phẩm…

Ước tính đến nay, TP.HCM có 661 hợp tác xã (HTX) đăng ký hoạt động, tăng 144 đơn vị so với năm 2016; Số lượng HTX ngưng hoạt động là 80, giảm 40 so với năm 2016. Hiện TP.HCM có 2.700 tổ hợp tác, tăng 974 tổ hợp tác so với năm 2016.

Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX trong thời gian gần đây đã có sự thay đổi quan trọng, chuyển hướng sang phục vụ phát triển kinh tế thành viên, theo đúng bản chất, nguyên tắc của HTX là vừa mang lại lợi ích kinh tế, vừa mang ý nghĩa xã hội. Khu vực kinh tế hợp tác, HTX ngày càng tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, phát triển thêm các dịch vụ cung cấp cho nhu cầu xã hội, góp phần phát triển đời sống văn hóa và tăng cường đoàn kết cộng đồng.

ho tro hop tac xa de phat trien kinh te tap the
Saigon Co.op một trong những đơn vị thành công nhất của mô hình kinh tế tập thể.

Trong thời gian qua, Liên hiệp HTX TP.HCM (Saigon Co.op) đã hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Đây là đơn vị bán lẻ hàng đầu với mạng lưới siêu thị ở khắp nơi trong cả nước, tham gia đóng góp quan trọng vào công tác bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Lãnh đạo Saigon Co.op cho rằng, Saigon Co.op sau 30 năm hình thành và phát triển đã khẳng định sức sống mạnh mẽ của mô hình kinh tế tập thể. Tuy nhiên trong thời gian tới, để khu vực kinh tế tập thể phát triển vượt bậc, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi một số nội dung còn bất cập của Luật HTX; hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với xu thế phát triển HTX ở một số nước và điều kiện của Việt Nam.

Để phát triển mô hình kinh tế tập thể tối ưu, TP.HCM đã đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 – 2025 là phát triển 150 HTX, 2 Liên hiệp hợp HTX; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực kinh tế tập thể đạt 7%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP TP.HCM là 0,5%; thu hút thêm 15.000 lao động làm việc trong khu vực kinh tế HTX… Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố đã và đang tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, HTX, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế chính sách.

Cụ thể, để hỗ trợ HTX nông nghiệp phát triển, UBND TP.HCM đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây dựng website, xây dựng logo, thiết kế bao bì, các ấn phẩm quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu cho 53 HTX, tổ hợp tác. Đặc biệt, các đơn vị đã tổ chức 563 phiên chợ nông sản tại 14 địa điểm với 10.440 doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, trang trại sản xuất kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành phố lân cận. Từ năm 2016 đến nay, ngành nông nghiệp TP.HCM đã hỗ trợ các HTX đổi mới ứng dụng công nghệ thông qua việc triển khai các chương trình phát triển trọng điểm của thành phố như Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn; Chương trình phát triển hoa kiểng; Chương trình phát triển cá cảnh; Chương trình mục tiêu phát triển giống cây, giống con chất lượng cao; Chương trình nâng cao chất lượng đàn bò sữa; Chương trình xây dựng chuỗi liên kết nông sản và Chương trình đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản.

Không những thế, TP.HCM đã có hẳn chính sách hỗ trợ lãi vay cho các HTX kinh doanh trong lĩnh vực vận tải hành khách thực hiện đầu tư mới xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch giai đoạn 2014 – 2018 và đã phê duyệt hỗ trợ tổng mức vốn đầu tư của các đơn vị hơn 1.262 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 – 2019, quỹ trợ vốn thành viên HTX trực thuộc Liên minh HTX TP.HCM đã giải quyết trợ vốn cho 254.899 lượt thành viên với doanh số trợ vốn trên 5.722 tỷ đồng. Chính sách ưu đãi tín dụng của TP.HCM quy định, HTX khi vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi vay từ 60% – 100% tùy theo hạng mục đầu tư; thông qua đó đã hỗ trợ cho một số HTX như HTX Tân Thông Hội được vay 26,850 tỷ đồng, HTX Phú Lộc được vay 280 triệu đồng….

Đối với HTX công nghiệp chế biến sản phẩm, TP.HCM cũng triển khai chính sách hỗ trợ tối đa, trong đó hỗ trợ 50% lãi suất ngân hàng trong vòng tối đa 7 năm để hỗ trợ tổ chức kinh tế tập thể trong nước (100% vốn trong nước). Điển hình là HTX Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) đăng ký tham gia Chương trình với Dự án “Nhà máy thực phẩm Tân Hiệp – giai đoạn 1” với tổng vốn đầu tư hơn 513 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là 100 tỷ đồng. Thời gian được hỗ trợ là 7 năm, mức lãi suất được ngân sách hỗ trợ là 50% lãi vay…

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhận định, xác định phát triển kinh tế tập thể với nòng cốt là HTX, lãnh đạo TP.HCM đã tích cực triển khai tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương về phát triển kinh tế tập thể… TP.HCM cũng triển khai các chính sách khuyến khích, hỗ trợ HTX như xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển HTX; hỗ trợ, ưu đãi đối với HTX nông nghiệp; hỗ trợ chế biến sản phẩm…

“Tuy nhiên, sự nỗ lực vươn lên, phát huy nội lực, tính tự chủ, năng động trong sản xuất kinh doanh của mỗi HTX là vô cùng quan trọng, quyết định đến sự thành bại trong sản xuất kinh doanh. Thực tế cho thấy, các HTX hoạt động có hiệu quả đã sớm nhận ra mô hình HTX kiểu cũ không còn phù hợp, từ đó quyết tâm đổi mới tư duy, đổi mới công tác quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh, vượt qua thời kỳ khó khăn, đứng vững và phát triển mạnh mẽ trong cơ chế mới. Xây dựng HTX kiểu mới theo Luật HTX, có chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh đúng đắn, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xử lý tốt những vướng măc tồn đọng; lành mạnh hoá nguồn vốn, giữ vững và không ngừng mở rộng thị trường, giải quyết ổn định đầu ra sản phẩm là những vấn đề căn bản đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của HTX”, ông Hoan cho biết.

Theo Ngọc Hậu/Thời báo Ngân hàng