Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00102 cho cua biển Bến Tre. UBND tỉnh Bến Tre là tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Khu vực địa lý theo chứng nhận này gồm xã Thạnh Phong, Giao Thạnh, An Thuận, An Quy, An Điền, Thạnh Hải, An Nhơn, Mỹ Hưng, Mỹ An và thị trấn Thạnh Phú thuộc huyện Thạnh Phú; xã Thạnh Phước, Thới Thuận, Thừa Đức, Đại Hòa Lộc, Bình Thắng thuộc huyện Bình Đại; xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Xuân, An Thủy, Tân Thủy, An Hòa Tây, An Đức thuộc huyện Ba Tri.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, trên 90% diện tích tự nhiên là đất ngập nước. Tỉnh này thuộc lưu vực sông Cửu Long qua các nhánh sông Tiền, sông Ba Lai, sông Hàm Luông, sông Cổ Chiên và chế độ thủy triều của biển Đông.
Chỉ trong vòng hai thế kỷ, những vùng đất hoang vu này đã trở thành nơi sản xuất dừa, trái cây, gạo, thủy sản và cua biển ngon nổi tiếng.
Cua Bến Tre có các đặc điểm đặc thù và chất lượng vượt trội do sinh trưởng trong khu vực địa lý có các tính chất đặc trưng về điều kiện tự nhiên và phương pháp canh tác truyền thống của người dân địa phương.
Những năm gần đây, tỉnh Bến Tre nói chung và khu vực địa lý nói riêng bị xâm nhập mặn nặng. Điều này gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp, nhưng lại phù hợp với đời sống của cua biển. Độ mặn của nước cao tạo cho cua biển Bến Tre có vị ngọt đậm.
Khu vực địa lý nằm ở hạ nguồn sông Cửu Long, có 4 nhánh sông lớn chảy qua trước khi đổ ra biển (sông Tiền, Hàm Luông, Ba Lai và Cổ Chiên) mang theo một lượng phù sa rất lớn, ước tính khoảng 25 triệu tấn/năm bùn cát.
Lượng phù sa này cung cấp thức ăn dạng phù du cho cua biển, bồi đắp cho đất đai và đổ ra cửa sông lắng đọng tạo thành bãi bồi…
Chất lượng đặc thù của cua biển Bến Tre còn được quyết định bởi các thực hành sản xuất của người dân tại khu vực địa lý. Việc thu hoạch cua (thu tỉa, thu toàn bộ) có tính chọn lọc. Chỉ những con đủ tiêu chuẩn thương phẩm mới được thu, những con không đủ tiêu chuẩn được tiếp tục nuôi.
Theo Thảo Phương/Zingnews.vn