Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 đạt 5.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25% so với năm 2020 và mục tiêu cổ tức 20-25%.
Đánh giá về hoạt động năm 2020, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, đây là một năm có nhiều thách thức với nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng. Tuy nhiên, với những chiến lược kịp thời và thích ứng nhanh nhạy, bên cạnh nhiều chương trình đồng hành cùng khách hàng, OCB đã tiếp tục hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.
Đến cuối năm 2020, OCB đạt 152.529 tỷ đồng, tăng 29% so với đầu năm; dư nợ tín dụng thị trường 1 đạt 90.200 tỷ đồng, tăng 24%; số dư huy động tiền gửi khách hàng cũng ghi nhận tăng trưởng cao 27% đạt 108.400 tỷ đồng.
Lợi nhuận trước thuế tăng 37% so với năm trước đạt 4.419 đồng, hoàn thành 101% kế hoạch. OCB đã vươn lên top 2 về tỷ suất lợi nhuận bình quân ROAA đạt 2,61% và ROEA đạt 24,42%, lọt vào top 10 ngân hàng thương mại cổ phần về lợi nhuận trước thuế.
“Kết quả kinh doanh đạt được trong năm 2020 góp phần đánh dấu việc hoàn thành mục tiêu 5 năm giai đoạn 2016 – 2020 của OCB với tổng tài sản tăng 2,4 lần, vốn điều lệ tăng 2,73 lần, vốn chủ sở hữu tăng 3,7 lần, lợi nhuận tăng 9 lần”, Chủ tịch HĐQT OCB Trịnh Văn Tuấn cho biết.
Năm 2020, OCB đã tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng lên 10.959 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư đến từ Nhật Bản Aozora Bank và phát hành cổ phiếu trả cổ tức 25%. Hiện nay, Aozora Bank đang là cổ đông chiến lược sở hữu 15% vốn điều lệ của OCB và có 2 thành viên tham HĐQT OCB.
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 của OCB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với tổng tài sản tăng 20%, đạt 183.500 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng 32%, đạt 14.449 tỷ đồng; tổng huy động thị trường 1 tăng 26%, đạt 136.700 tỷ đồng, tổng dư nợ thị trường 1 tăng 25%, đạt 113.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế tăng 25%, đạt 5.500 tỷ đồng và mục tiêu cổ tức 20 – 25%.
Ông Trịnh Văn Tuấn cho biết: Để đạt được những mục tiêu trên, ngân hàng sẽ tập trung vào mảng bán lẻ và các phân khúc ưu tiên, tối ưu hóa về công nghệ, đẩy mạnh sản phẩm dịch vụ ngân hàng số, triển khai nâng cao hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn mực nâng cao của Basel II và đẩy mạnh hợp tác chiến lược với các đối tác quốc tế để huy động vốn giá tốt”.
Về phương án tăng vốn điều lệ thêm 3.490 tỷ lên 14.449 tỷ đồng, OCB sẽ phát hành 273.976.585 cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông, tỷ lệ 25%; phát hành 50 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cổ phiếu với thời gian giải tỏa hạn chế chuyển nhượng 25% cho mỗi năm. Bên cạnh đó là OCB phát hành riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước với giá không thấp hơn giá trị sổ sách tại thời điểm cuối quý gần nhất của thời điểm phát hành.
Đại hội cũng thông qua tổng ngân sách hoạt động của HĐQT và BKS năm 2020 là 30,8 tỷ đồng (tương đương 0,7% lợi nhuận trước thuế theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020). Tính đến 31/12/2020, chi phí thực tế đã chi cho HĐQT và BKS là 24,7 tỷ đồng. Năm 2021, tổng mức ngân sách hoạt động, thù lao, thưởng và các lợi ích khác năm 2021 của HĐQT và BKS tối đa 38,5 tỷ đồng (tương đương 0,7% lợi nhuận trước thuế theo kế hoạch dự kiến).
Ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu OCB trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) với ngày giao dịch đầu tiên vào ngày 28/1/2021, giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên tại HOSE đạt 22.900 đồng/cổ phiếu. Đóng cửa ngày 27/4/2021, OCB đạt 22.850 đồng/cổ phiếu giúp ngân hàng lọt vào nhóm công ty niêm yết có vốn hóa trên 1 tỷ USD.
Theo Nguyễn Như/Chất lượng&cuộc sống