Tài xế Grab phản ứng vì bị thu thuế khi “cày” hơn 100 triệu đồng/năm

Theo quy định, những tài xế Grab chạy xe hai bánh có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm phải đóng 4,5% tiền thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, khi hãng Grab tiến hành thu hộ đối tác thì tài xế đã phản ứng.

Nhiều tài xế xe ôm công nghệ đã phản ứng vì cho rằng việc thu 3% thuế GTGT và 1,5% thuế TNCN khi đạt mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm là chưa hợp lý. Ảnh: Đại Việt

Không đánh đồng “xe ôm” với taxi, xe buýt, xe tải…

Những ngày gần đây, nhiều tài xế Grab hai bánh (GrabBike và GrabExpress) đã tập trung, tỏ thái độ phản đối với việc Cục Thuế TPHCM tiến hành thu thuế đối với tài xế.

Theo Cục Thuế TPHCM, các cá nhân tham gia mô hình hoạt động của GrabBike và GrabExpress được Grab chia doanh thu theo thỏa thuận trên 100 triệu đồng/năm phải nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo tỉ lệ % trên doanh thu.

Cụ thể, tỉ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu chịu thuế GTGT là 3%. Tỉ lệ để tính thuế TNCN trên doanh thu chịu thuế TNCN là 1,5%.

“Các cá nhân có doanh thu được chia trên 100 triệu đồng/năm thì công ty (Grab) có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế thay cho cá nhân theo quy định nêu trên”, văn bản của Cục Thuế TPHCM nêu rõ.

Mặc dù Cục Thuế TPHCM đã nêu khá rõ các quy định tại điểm b Khoản 2 Điều 2 Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính để doanh nghiệp và người lao động hiểu rõ, thế nhưng, các tài xế vẫn phản đối mạnh mẽ chính sách này.

Trước tình hình trên, chiều 6/9, Cục Thuế TPHCM đã có buổi gặp gỡ, giải đáp thắc mắc về nghĩa vụ thuế 2019 dành cho đối tác Grab hai bánh. Hàng trăm đối tác của hãng Grab đã có mặt để nêu lên những ý kiến của mình.

Các tài xế nêu quan điểm của mình về chính sách thuế. Ảnh: Đại Việt

Tài xế Phạm Mi Sên cho biết, cần phải xem xét vấn đề “định danh” cho công việc vận chuyển hành khách, hàng hóa của tài xế Grab hai bánh, bởi tài xế đi xe hai bánh đang được định danh tương đồng với các phương tiện vận chuyển khác như taxi, xe buýt, xe tải…để áp dụng chung một biểu thuế là chưa hợp lý.

“Điều kiện làm việc của chúng tôi khắc nghiện hơn các loại phương tiện khác. Chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với ô nhiễm môi trường, khói, bụi, tiếng ồn… Chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ tai nạn cao hơn, phương tiện kém an toàn hơn, khả năng bị cướp giật và trấn lột tài sản cao hơn”, tài xế Sên nói.

Cũng theo tài xế Sên, loại hình vận chuyển bằng xe hai bánh đã có từ rất lâu nhưng chưa từng được xếp vào đối tượng chịu thuế. Đây là loại hình vận tải đặc thù, đòi hỏi phải có những điều khoản phù hợp, không thể đánh đồng với những loại hình vận chuyển khác.

“Tôi thử hỏi, các cơ quan Nhà nước đã thu được đồng tiền thuế nào từ các anh chạy xe ôm truyền thống chưa? Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nộp thuế theo quy định, bởi đó là nghĩa vụ công dân nhưng chúng tôi mong muốn mức thuế đó phải phù hợp, không nên đánh đồng với những loại phương tiện khác. Chúng tôi đề xuất nâng mức thu nhập phải chịu thuế lên 150 triệu đồng/năm và tiếp tục xem xét điều chỉnh cho phù hợp trong thời gian tới”, anh Sên nêu ý kiến.

Nên tạm dừng thu thế vì còn nhiều bất đồng?

Anh Đỗ Ngọc Thịnh, một tài xế chia sẻ, những người chạy Grab hai bánh đa phần là những người có hoàn cảnh khó khăn và phải lao động cật lực mới đủ sống. Nếu chỉ lao động 8 tiếng/ngày thì hầu như không đủ ăn và nuôi gia đình. Trong đó, nhiều người còn phải nuôi mẹ già, con nhỏ.

“Tôi nghĩ, trước khi thu thuế thì Nhà nước nên quan tâm đến gia cảnh của người nộp thuế. Những người chạy xe ôm chủ yếu là những người nghèo và cận nghèo. Tôi cũng đi làm không có ngày nghỉ, không có những chế độ ưu đãi nào nhưng lại bị cấn trừ quá nhiều khoản”, anh Thịnh nói.

Cũng theo nhiều tài xế, các cơ quan thuế cần cấp mã số thuế riêng cho từng tài xế bởi các tổ chức, cá nhân có phát sinh nghĩa vụ thuế đều được cấp mã số thuế và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thông qua mã số thuế.

Trên thực tế, nhiều tài xế vẫn chưa có mã số thuế vì nhiều lý do. Tài xế chỉ đóng thuế thông qua giấy chứng minh nhân dân và đây chỉ là giải pháp tạm thời.

Trong khi đó, giấy xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của hãng Grab cấp lại bị các cơ quan chức năng không chấp nhận tính pháp lý. Chính vì vậy, việc cơ quan thuế cấp mã số thuế riêng cho từng tài xế là điều nên làm.

Ngoài ra, các tài xế cũng cho rằng, cần phải làm rõ quyền lợi của các tài xế khi về hưu nếu đóng đầy đủ các khoản thuế. Việc tính thu nhập từ cuốc xe và thu nhập từ tiền thưởng cũng cần phải tách bạch, thu nhập từ tiền thưởng thì không nên tính thuế. Nhiều tài xế còn nêu quan điểm nên tạm dừng việc thu thuế lại bởi những tranh chấp, bất đồng đang xảy ra.

Đại diện hãng Grab cho biết, đơn vị này chỉ có trách nhiệm khai thuế và nộp thuế hộ cho các đối tác theo quy định, hướng dẫn của ngành thuế. Grab đã nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng về việc cần phải có những chính sách “mềm mại” hơn dành cho những đối tác của mình.

Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ (Cục Thuế TPHCM). Ảnh: Đại Việt

Ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ (Cục Thuế TPHCM) chia sẻ, Cục Thuế TPHCM đã lắng nghe và tổng hợp những ý kiến đóng góp của các tài xế.

Đơn vị này sẽ trình ý kiến đóng góp của người lao động lên các cấp lãnh đạo nhằm giải quyết thấu đáo, hợp lý các vấn đề. Việc giải quyết sẽ cần có lộ trình, thứ tự và không thể xong ngay trong “một sớm, một chiều”.

Trong buổi gặp gỡ, ông Thiện cũng đã giải thích tận tình các quy định của ngành thuế và chăm chú tiếp thu những góp ý của các tài xế.

“Trước khi đưa ra một quy định nào đó thì cơ quan thuế đều cân nhắc, đắn đo rất nhiều. Tuy nhiên, TPHCM là một thành phố đặc thù, mức thu nhập và chi tiêu cũng khác so với nhiều địa phương trong nước nên việc tính toán thật kỹ lưỡng cũng là điều nên làm. Cục thuế thành phố sẽ kiến nghị với Tổng cục thuế để trình lên Chính phủ nhằm điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn”, ông Thiện nói.

 

Theo Đại Việt/Dân trí