Rủi ro ngắn hạn của thị trường chứng khoán có dấu hiệu tăng lên

Theo nhận định của một số chuyên gia, rủi ro ngắn hạn của thị trường chứng khoán đang có dấu hiệu tăng lên. Đặc biệt là nếu vùng hỗ trợ trên bị xuyên thủng thì nguy cơ chỉ số rơi vào nhịp giảm điểm ngắn hạn là hiện hữu.

Bluechip bị chốt mạnh, VN-Index mất hơn 8 điểm

Thị trường chứng khoán điều chỉnh trở lại trong phiên hôm nay 15/4 với thanh khoản tiếp tục ở mức cao. Thị trường tăng điểm trong phiên giao dịch sáng nhưng về chiều, áp lực bán gia tăng khiến chỉ số giảm xuống sắc đỏ. Trong phiên ATC, lực bán tiếp tục áp đảo khiến chỉ số VN-Index kết phiên ở mức thấp nhất.

Hàng loạt cổ phiếu thu hút dòng tiền mạnh thời gian qua đã chịu áp lực điều chỉnh như: nhóm ngân hàng với ACB (-2,2%), CTG (-1,3%), BID (-2,2%), VCB (-1,2%), MBB (-2,1%), TCB (-2,2%), VPB (-0,2%)…, hay các cổ phiếu chứng khoán như VCI (-2,4%), SSI (-3,1%), HCM (-2,7%), SHS (-3,5%), VND (-2,7%), MBS (-2,7%)…

VN-Index chìm trong sắc đỏ
VN-Index chìm trong sắc đỏ.

Tương tự, nhóm bất động sản, xây dựng, dầu khí cũng chịu áp lực điều chỉnh với sắc đỏ chiếm ưu thế. Một số Bluechips như: BVH (-2%), FPT (-1,2%), GAS (-0,6%), MSN (-0,7%), MWG (-1,3%), VNM (-0,2%), REE (-2,3%), PLX (-1,4%)… đều giảm đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư.

Ở chiều ngược lại, bộ đôi VIC (+0,6%), VHM (+0,7%) vẫn giữ vững đà tăng. Bên cạnh đó, EIB (+2,2%), PNJ (+0,5%), NVL (+2,4%) hay các cổ phiếu thép HPG (+2,8%), NKG (+2,6%), HSG (+5,3%), POM (+2,4%)… đều đóng cửa trong sắc xanh.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/4, sàn HOSE có 141 mã tăng và 294 mã giảm, VN-Index giảm 8,62 (-0,69%), xuống 1.247,25 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 806,4 triệu đơn vị, giá trị 20.645,52 tỷ đồng, giảm hơn 6% về khối lượng, nhưng tăng gần 7% về giá trị so với phiên hôm qua.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chịu áp lực tương đối lớn và lùi về dưới tham chiếu, nhưng đã trở lại sắc xanh về cuối phiên nhờ THD đứng vững và SHB đảo chiều thành công. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/4, sàn HNX có 46 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index tăng 1,29 điểm (+0,44%), lên 296,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 157,3 triệu đơn vị, giá trị 2.871,3 tỷ đồng.

Trên sàn UpCoM, chỉ số UpCoM-Index gần như ít có thêm diễn biến nào đáng kể trong phiên chiều, sau khi yếu đi từ cuối phiên sáng. Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,7 điểm (-0,83%), xuống 82,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,3 triệu đơn vị, giá trị gần 955 tỷ đồng.

Phiên giao dịch ngày 15/4, khối ngoại tiếp tục bán ròng với tổng giá trị bán ròng trên HOSE là 833,28 tỷ đồng, trong đó: tổng mua 1.347,85 tỷ đồng; tổng bán 2.181,12 tỷ đồng.

VN-Index có thể tiếp tục giằng co và rung lắc

Theo nhóm phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), thị trường điều chỉnh giảm là điều bình thường vì sau gần 3 tuần tăng liên tiếp, các cổ phiếu đã có mức tăng bình quân từ 20% đến 30% sẽ kích thích các nhà đầu tư hiện thực hóa lợi nhuận.

“Đây cũng là phiên điều chỉnh với nguyên nhân có thể đến từ yếu tố kỹ thuật. Thanh khoản vẫn ở mức khá cao và luôn có những ý kiến trái chiều giữa người bán và người mua. Dẫu vậy thì điều cần làm lúc này là ưu tiên quản lý rủi ro, đưa tỷ trọng danh mục về mức cân bằng hoặc thấp”, chuyên gia của MBS nêu quan điểm.

Còn theo các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), việc VN-Index đóng cửa dưới ngưỡng 1.250 điểm cũng là một sự tiêu cực trên khía cạnh kỹ thuật. Do thị trường có thể đang bước vào giai đoạn chuyển giao giữa sóng tăng 5 và sóng điều chỉnh a nên xu hướng hiện tại có thể coi là trung tính và cần quan sát thêm diễn biến trong phiên cuối tuần để xác nhận.

“Trong phiên giao dịch 16/4, VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc quanh ngưỡng 1.250 điểm. Việc kết phiên trên hay dưới ngưỡng 1.250 điểm trong tuần này có thể sẽ là gợi ý cho xu hướng tuần tới. Nhà đầu tư trung hạn mua vào trước Tết trong các phiên 28/1-2/2 và nhà đầu tư ngắn hạn mua vào trong các phiên 24/3-26/3 đã chốt lời dần trong các phiên 12/4-14/4 nắm giữ danh mục còn lại và trailing stop với đường trung bình 20 ngày hiện quanh 1.215 điểm”, chuyên gia của SHS khuyến cáo.

VN-Index giảm điểm với sự áp đảo của số mã giảm điểm. Trong khi thanh khoản dù giảm nhẹ so với phiên trước đó nhưng vẫn duy trì ở mức cao trên trung bình. Ông Trần Xuân Bách, Phụ trách mảng phân tích thị trường Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, diễn biến này thể hiện tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi chỉ số đang gặp khó khăn trước vùng kháng cự quanh 1.265 điểm.

VN-Index sẽ lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.225-1.232 điểm
VN-Index sẽ lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.225-1.232 điểm.

“Các đường MA ngắn hạn đang hướng lên sẽ là bệ đỡ cho chỉ số trong các nhịp điều chỉnh. Chỉ số có khả năng đối mặt với áp lực điều chỉnh về lại vùng hỗ trợ 1.225-1.232 điểm trong những phiên kế tiếp. Đây vẫn là vùng hỗ trợ được kỳ vọng sẽ giúp thị trường hồi phục tăng điểm trở lại. Tuy nhiên, rủi ro ngắn hạn của thị trường đang có dấu hiệu tăng lên. Đặc biệt là nếu vùng hỗ trợ trên bị xuyên thủng thì nguy cơ chỉ số rơi vào nhịp giảm điểm ngắn hạn là hiện hữu”, ông Trần Xuân Bách nhận định.

Chuyên gia của BVSC dự báo, VN-Index sẽ lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.225-1.232 điểm một lần nữa trong những phiên kế tiếp. Tuy vậy, diễn biến của thị trường giai đoạn này nhiều khả năng sẽ tiếp tục chịu sự chi phối của một vài cổ phiếu vốn hóa lớn, kèm theo đó là sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu trên thị trường. Dòng cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là các cổ phiếu dẫn dắt vẫn sẽ luân phiên tăng điểm để hỗ trợ thị trường.

“Hôm nay cũng là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 4, sự kiện này có thể khiến các cổ phiếu vốn hóa lớn trong rổ VN30 bị biến động mạnh trong phiên kế tiếp. Nhà đầu tư nên giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục xuống mức 50-60% cổ phiếu. Các nhà đầu tư có thể xem xét bán giảm tỷ trọng khi thị trường xuất hiện các nhịp hồi phục trong những phiên kế tiếp”, ông Trần Xuân Bách khuyến nghị./.