Với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2021 cho thấy, ngành dệt may đã có những tín hiệu khởi sắc cũng như các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp giữa đại dịch Covid-19.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong quý I/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc quý 1 ước đạt 7,2 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại tăng 31%; kim ngạch xuất khẩu vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 8,8%. Điều này cho thấy ngành dệt may đã có những tín hiệu khởi sắc cũng như các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhận định, qua đại dịch, xu thế tiêu dùng may mặc của thế giới đã thay đổi rất nhiều. Trong năm 2020, các mặt hàng veston, sơ-mi, quần âu suy giảm mạnh nhất (veston giảm 70%, quần âu giảm 45%, áo sơ-mi giảm hơn 30%). Trong năm 2021, các mặt hàng kể trên có sự phục hồi nhất định so với năm 2020 nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được trước đó. Đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Việc tăng trưởng sản xuất các mặt hàng thế mạnh này trong năm nay vẫn chưa rõ ràng, vì còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đi lại, làm việc có trở về như trước khi có đại dịch hay không. Nếu thế giới vẫn duy trì cách thức làm việc từ nhà thì các mặt hàng đó vẫn không thể phục hồi như cũ được.
“Có thể chắc chắn rằng, trong 6 tháng đầu năm 2021 thị trường sẽ tiêu thụ chính yếu các mặt hàng cơ bản, giá cả tương đối rẻ. Thực tế hiện nay, trong 6 tháng đầu năm 2021, các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy đầy tải các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản”, ông Lê Tiến Trường thông tin.
Năm 2021, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu xuất khẩu khoảng 39 tỷ USD. Nhận định về tính khả thi của mục tiêu này, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được. Đồng thời, các FTA còn là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu.
Tuy nhiên, ngành vẫn cần tính tới các giải pháp dài hơi, không chỉ chuẩn bị cho việc nắm bắt cơ hội khi dịch bệnh được kiểm soát mà còn là nền tảng cho ngành phát triển vững. Theo đó, cần phải định ra được chiến lược phát triển 2021-2025. Hoạch định rõ các giải pháp về công nghệ, trong đó đưa ra tầm nhìn cho ngành công nghiệp kéo sợi và dệt nhuộm, tập trung vào tự động hóa để tạo ra nền tảng theo xu thế thay đổi nhanh của thị trường sau Covid-19. Định hướng một chương trình xanh hóa, thông qua tiết kiệm năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả nguồn nước và phát triển bền vững cho nhà máy và người lao động. Phát triển chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu, phát triển các thương hiệu dệt may Việt Nam ra thị trường thế giới. Xây dựng chiến lược kết nối, tạo nền tảng đưa thương hiệu dệt may Việt Nam vào chuỗi bán lẻ toàn cầu.
Theo Mai Phương/Vietq.vn