Cá tầm chỉ được thông quan sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I.
Qua thời gian theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy thực tế cá tầm nhập khẩu không nằm trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam, không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan (cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii).
Để đảm bảo việc nhập khẩu cá tầm được thực hiện theo đúng Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản, Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh nêu trên chỉ đạo các đơn vị thuộc và trực thuộc kiểm tra thực tế các lô hàng cá tầm nhập khẩu và lấy mẫu gửi:
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I đề nghị xác định hàng hóa nhập khẩu có thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hay không? (xác định giống, loài, con lai hay thuần chủng).
Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật đề nghị xác định hàng hóa nhập khẩu có đúng với Giấy phép Cites hay không? Có thuộc Phụ lục Cites hay không? (xác định giống, loài, con lai hay thuần chủng).
Việc lấy mẫu được thực hiện ngay tại cửa khẩu. Cơ quan Hải quan căn cứ kết quả giám định của các đơn vị nêu trên để thông quan hàng hóa.
Hàng hóa chỉ được thông quan sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I và Viện sinh thái và Tài nguyên sinh vật xác định hàng hóa nhập khẩu đúng với khai hải quan, Giấy phép Cites, thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng cá tầm nói riêng và mặt hàng động vật, thực vật tươi sống hoặc đã qua chế biến nhập khẩu, thông báo danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ, các tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép xuất khẩu vào Việt Nam cho Tổng cục Hải quan để chỉ đạo phối hợp quản lý, theo dõi khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu.
Thống nhất đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với mặt hàng cá tầm nói riêng và các mặt hàng nhập khẩu khác thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của bộ để đảm bảo thông quan nhanh chóng hàng hóa tại cửa khẩu.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, có cảnh báo để ngăn chặn việc các loài động vật ngoại lai có hại hoặc không có trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (như: tôm hùm đỏ, tôm hùm đất, rùa tai đỏ…) nhưng có đặc điểm nhận dạng, hình thái giống với các loài thuộc Danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu vào Việt Nam để cơ quan Hải quan có biện pháp kiểm soát chặt chẽ.
Trước đó, thực hiện công văn số 580/BNN-TCTS ngày 26/1/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc kiểm soát nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm, ngày 18/2/2021, Tổng cục Hải quan có công văn số 808/TCHQ-GSQL hướng dẫn thủ tục, kiểm soát nhập khẩu cá tầm.
Qua thời gian theo dõi tình hình làm thủ tục hải quan và phối hợp, lấy mẫu kiểm tra xác định chủng loại tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (thuộc Tổng cục Thủy sản) đối với một số lô hàng cá tầm nhập khẩu tại Cục Hải quan các tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn cho thấy thực tế cá tầm nhập khẩu không đúng với Giấy phép do Cơ quan Quản lý Cites Việt Nam cấp, không đúng với khai hải quan (cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii), không thuộc Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam ban hành kèm Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ.
Cụ thể, lô hàng thứ nhất của Công ty TNHH Đầu tư & XNK A.H. đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị- Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá tầm Xiberi từ Trung Quốc.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 đã cùng chi cục hải quan, cơ quan kiểm dịch lấy mẫu tại kho của doanh nghiệp để tiến hành giám định chủng loại. Tại kết luận giám định số 91/VST1 cho thấy hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp (tên là Cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii).
Đối với lô hàng 9,2 tấn cá tầm khai báo là cá tầm Xibere có xuất xứ Trung Quốc của Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đ.V. đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai, sau khi phối hợp lấy mẫu, giám định, kết quả giám định số 93/VST1 cho thấy căn cứ vào khóa phân loại hình thái của cá tầm Xibêri (Acipenser baeri) để phân tích xác định những mẫu cá được kiểm tra không phải là cá tầm Xibêri (Acipenser baeri Brandt 1869), 6 mẫu cá này có thể là con cá lai giữa các loài cá tầm với nhau.
Căn cứ kết quả giám định nêu trên thì hàng hóa thực tế nhập khẩu của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai hải quan và Giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam cấp (tên là Cá tầm Xiberi, tên khoa học: Acipenser baerii).
Theo Thu Hà/Vietq.vn