Ngày 25/3, Viện nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức hội thảo: “Tương lai chiến lược Ngân hàng số tại Việt Nam” nhằm tạo diễn đàn thảo luận đa chiều về các cơ hội và thách thức tiến tới ngân hàng số hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho tất cả các bên.
Theo các chuyên gia IT, số hóa sẽ giúp thay đổi diện mạo của các ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới như: trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều năng lực, dịch vụ sáng tạo hơn; an toàn hơn. Một kết quả khảo sát tại các NHTM Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60-70% chi phí. Hơn nữa, khi đã thực hiện số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.
Nói về thực trạng phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, bà Nguyễn Thùy Dương, Chủ tịch EY Consulting Việt Nam, Phó chủ nhiệm CLB Fintech, Hiệp hội Ngân hàng nhận định, phần lớn các tổ chức tín dụng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số. Cụ thể, khảo sát cho thấy hầu hết các tổ chức tín dụng có nhận thức về chuyển đổi số; trong đó có 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số; 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh; 11% đã phê duyệt và triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng.
Điều này khá phù hợp với xu hướng chung trên thế giới. Theo Citi GPS – Global Perspectives & Solutions, đến năm 2025, dự kiến sẽ có khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng số.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thùy Dương và nhiều chuyên gia chia sẻ tại diễn đàn cho rằng, việc thực hiện chuyển đổi số đang gặp phải một số vướng mắc. Trong đó có thể kể đến như: Các ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh; Chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt sản phẩm mới; Chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ; hạn chế về nguồn nhân lực công nghệ cho phát triển ngân hàng số; nguy cơ các cuộc tấn công mạng gắn với vấn đề an ninh, bảo mật…
Về một số định hướng thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về ngân hàng số; sớm xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo kiện kết nối mở cho các ngân hàng truy xuất theo thẩm quyền được duyệt và có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ 3. Đối với các ngân hàng, cần xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể trong việc thực hiện phát triển ngân hàng số, nhất là phân bổ nguồn lực phù hợp để đầu tư cho công nghệ mới và nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số.
Theo Đỗ Phạm/Thời báo Ngân hàng