Sử dụng sản phẩm âm nhạc nhưng chỉ xin phép tác giả ca khúc thông qua Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” đã vi phạm quy định về quyền liên quan trong phần quyền tác giả của Luật Sở hữu trí tuệ.
Những ngày qua, dư luận xôn xao vụ ca sĩ Noo Phước Thịnh bức xúc kêu gọi tẩy chay phim “Ngôi nhà bươm bướm” của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và tiến hành hành động pháp lý khi phim này sử dụng bản thu âm ca khúc “Mãi mãi bên nhau”, bản quyền thuộc về anh mà không xin phép. Ê-kíp sản xuất bộ phim đã nhận sai và gửi lời xin lỗi đến ca sĩ Noo Phước Thịnh là do nhầm đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, thay vì liên hệ ca sĩ và các nhà sản xuất âm nhạc (là chủ sở hữu bản thu) để mua quyền liên quan thì ê-kíp đã đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chi nhánh TP HCM (VCPMC) mua quyền tác giả bài hát là coi như xong. Vấn đề đặt ra là nhận thức pháp luật về sở hữu trí tuệ của người trong giới liệu có vấn đề?
Mua nhầm tác quyền
Thông qua luật sư, phía ca sĩ Noo Phước Thịnh đã gửi văn bản cảnh báo quyền tác giả, quyền liên quan bị vi phạm đến nhà sản xuất bộ phim “Ngôi nhà bươm bướm” kèm những yêu cầu bồi thường cụ thể. Trong văn bản, luật sư của phía Noo Phước Thịnh chỉ ra ê-kíp làm phim “Ngôi nhà bươm bướm” có hành vi sao chép, trích ghép và phân phối bản ghi âm mà không được phép của chủ sở hữu; yêu cầu nhà sản xuất “Ngôi nhà bươm bướm” phải lập tức gỡ bỏ bản thu bài “Mãi mãi bên nhau” ra khỏi bộ phim, xin lỗi Noo Phước Thịnh và nhạc sĩ Đỗ Hiếu trên các phương tiện thông tin đại chúng vì hành vi vi phạm quyền liên quan của quyền tác giả nói trên; phải bồi thường 500 triệu đồng đối với thiệt hại về vật chất và tinh thần do hành vi vi phạm gây ra. Tính đến nay, ngoài ca sĩ Noo Phước Thịnh lên tiếng, nhà sản xuất – nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong (bị sử dụng 2 ca khúc “Đường cong” và “Taxi”) cũng chính thức ủy quyền cho luật sư khởi kiện nhà sản xuất “Ngôi nhà bươm bướm” với lý do tương tự như ca sĩ Noo Phước Thịnh.
Ngoài việc gửi lời xin lỗi đến những cá nhân có liên quan, nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” cũng trưng ra bằng chứng đã thực hiện xin phép sử dụng tác quyền ca khúc và đóng phí tác quyền sử dụng các ca khúc trong phim cho VCPMC. Theo hợp đồng sử dụng quyền tác giả âm nhạc giữa nhà sản xuất và VCPMC ký ngày 6-11-2018, nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” đã mua bản quyền sáng tác cho 4 ca khúc (gồm “Mãi mãi bên nhau”, Taxi”, “Đường cong”, “Nỗi lòng”) với số tiền phải trả 15 triệu đồng/bài cho tối đa 4 phút 30 giây/bài. Tổng chi phí gồm thuế là 66 triệu đồng.
Mua nhạc giấy sử dụng bản ghi âm
Theo thông báo của phía ca sĩ Noo Phước Thịnh và phía nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong, cả hai đều không ủy quyền việc thu tác quyền cho các tác phẩm âm nhạc của mình cho phía VCPMC. Như vậy, việc VCPMC đứng ra đại diện cho những chủ sở hữu nhận tiền tác quyền và cho phép đơn vị khác sử dụng tác quyền là có hợp lý?
VCPMC giải thích: “Nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” đã xin phép và trả tiền sử dụng tác quyền cho VCPMC để được sử dụng trích đoạn bài hát “Mãi mãi bên nhau” (sáng tác: Đỗ Hiếu) trong bộ phim. Trong khoản 1 điều 2 của hợp đồng đã ghi rõ phạm vi cấp phép sử dụng quyền tác giả là quyền sao chép tác phẩm, ghi rõ “không bao gồm các quyền liên quan của người biểu diễn, bản hòa âm phối khí, bản ghi âm ghi hình của nhà sản xuất…”. Tuy nhiên, không rõ vì lý do gì nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” vẫn sử dụng bản thu âm bài “Mãi mãi bên nhau” trong phim của mình”.
Như vậy, phía nhà sản xuất phim “Ngôi nhà bươm bướm” dù đã đi xin phép và đóng tiền tác quyền để được phép sử dụng ca khúc (nhạc trên giấy) nhưng không quan tâm đến các quyền liên quan khác đã góp phần tạo nên sản phẩm âm nhạc hoàn chỉnh. Dư luận cho rằng tình trạng vi phạm này là khá phổ biến hiện nay. Nếu không có sự bức xúc lên tiếng của chủ sở hữu tác quyền thì việc vi phạm này dễ dàng trôi qua. Các cơ quan cấp phép phát hành, biểu diễn tác phẩm nghệ thuật thường căn cứ vào giấy cho phép của tác giả ca khúc mà không chú trọng đến các quyền liên quan bị xâm phạm trong đó.
Trước nay, VCPMC là nơi mọi người thường tìm đến để thực hiện nghĩa vụ sử dụng tác quyền âm nhạc. Nhưng trên thực tế, VCPMC chỉ được một số tác giả ca khúc ủy quyền cho phép và thu hộ tiền tác quyền đã sử dụng, chưa được tất cả chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc ủy quyền. Người trong giới cho rằng trong trường hợp này, đáng lý ra VCPMC không thu tác quyền các ca khúc nói trên vì chưa từng được tác giả, chủ sở hữu tác phẩm ủy quyền, thay vào đó hướng dẫn cho người sử dụng thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, tránh được những rắc rối không nên có.
Không hiểu luật hay cố tình không hiểu?
Quyền liên quan trong phần quyền tác giả (gọi tắt là quyền liên quan) của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 là "quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa". Trong phim "Ngôi nhà bươm bướm", các nhân vật là nghệ sĩ drag-queen nên phải hát nhép trên nền bản thu. Như vậy, các bản thu đã sử dụng trong phim được xác định là loại hình bản ghi âm trong quyền liên quan mà chủ thể có quyền là ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc chứ không phải quyền tác giả ca khúc. Thay vì liên hệ các ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc để mua quyền sử dụng các bản thu thì nhà sản xuất phim lại đến VCPMC để mua quyền tác giả.