Xu hướng giảm giá vé máy bay do cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa đã xuất hiện từ năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục trong năm nay.
Báo cáo cập nhật thị trường hàng không của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) trong tháng 3 cho thấy cạnh tranh trên thị trường hàng không tiếp tục gia tăng, đặc biệt ở thị trường nội địa trong bối cảnh đường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại.
Trong năm 2020, hãng hàng không Vietravel Airlines được cấp phép và hoạt động chính thức từ tháng 1-2021 với 3 máy bay thân hẹp cho thị trường nội địa đã lấy một phần khách của những hãng hàng không hiện đó.
Bamboo Airways cũng liên tục gia tăng đội bay qua hình thức thuê ướt (thuê cả tiếp viên, phi công và máy bay…). Tính đến cuối năm ngoái, Bamboo Airways đã nâng thị phần lên 17,8% từ mức 5,9% của năm 2019, theo số liệu của Cục hàng không Việt Nam.
Trong khi đó, năm 2020, Vietnam Airlines đã giảm 5 chiếc trong đội máy bay xuống còn 95 chiếc và Vietjet tăng thêm 1 chiếc lên 72 chiếc. Các hãng sẽ tiếp tục nhận thêm một số máy bay trong năm nay…
Theo BVSC, cạnh tranh ngày càng gia tăng sẽ tạo áp lực không nhỏ đối với các hãng hàng không. Bằng chứng là áp lực giảm giá vé đã xuất hiện từ trước năm 2020 nhằm kích thích nhu cầu đi lại, đồng thời tránh mất khách vào các đối thủ khác.
“Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2021, có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của các doanh nghiệp vận tải trong ngành. Mức giá vé trung bình của năm nay so với năm 2019 vào khoảng 64,5%” – báo cáo của BVSC đưa ra.
Để duy trì hoạt động kinh doanh, hiện các hãng phải mở thêm đường bay nội địa, giảm giá vé hoặc bán combo gồm cả vé máy bay, khách sạn hoặc tour trọn gói gồm vé máy bay… nhằm kích thích nhu cầu đi lại, du lịch của người dân.
Ghi nhận của Báo Người Lao Động, vé máy bay khởi hành trong giai đoạn cuối tháng 3 trên nhiều đường bay vẫn còn khá rẻ, kể cả việc mua vé đi ngay. Như chặng TP HCM – Hà Nội, nếu chiều nay khách đặt khởi hành vào ngày mai, 24-3 giá cũng chỉ từ 680.000 đồng đã gồm thuế phí; chặng TP HCM đi Đà Nẵng từ 513.000 đồng gồm thuế phí…