Gia tăng đột biến về số lượng khiếu nại của người tiêu dùng

Trước đây, khi quyền lợi bị xâm phạm, người tiêu dùng còn khá e dè trong việc phản ảnh với cơ quan chức năng, thì nay, họ đã chủ động hơn trong vấn đề này.

Theo số liệu thống kê, năm 2020 ghi nhận sự gia tăng đột biến về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng gửi tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng so với những năm trước. Cụ thể, tính đến hết năm ngoái, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã tiếp nhận được hơn 1.400 phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng, thông qua các phương thức như thư điện tử, hệ thống tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại trực tuyến và qua đường bưu điện.

Dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, cấu trúc phản ánh, khiếu nại tới Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng phân theo lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ có sự thay đổi đáng kể với sự gia tăng đột biến về số lượng yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến lĩnh vực dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng; du lịch, nhà hàng…

Gia tăng đột biến về số lượng khiếu nại của người tiêu dùng. (Ảnh: KT)
Gia tăng đột biến về số lượng khiếu nại của người tiêu dùng. (Ảnh: KT).

Trên thực tế, hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực thi đã bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả thực thi chưa cao, do trong bối cảnh mới, những quy định trong luật không còn phù hợp. Hiện có rất nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện song chưa có chế tài xử lý.

Trong khi đó, xu hướng tiêu dùng đã thay đổi, dù các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý nhiều vụ vi phạm gian lận thương mại, không đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, ổn định thị trường. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây bức xúc cho người tiêu dùng và ảnh hưởng chung đến thị trường.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Công tác bảo vệ người tiêu dùng có tiến bộ rất nhiều nhưng nếu so với yêu cầu thì quyền lợi người tiêu dùng còn đang bị xâm hại, thậm chí nghiêm trọng. Thực tế, tất cả, quá trình mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ thì đều liên quan đến người tiêu dùng nhưng ta nhìn vào đâu cũng có vấn đề cả, hàng hóa thì hàng giả rồi quảng cáo một đằng được giao một nẻo, thậm chí là những hàng liên quan đến thực phẩm, liên quan sức khỏe, liên quan đến tính mạng”.

Từ thực tiễn được ghi nhận trong những năm vừa qua, chỉ khi thực hiện tốt, đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của người tiêu dùng thì doanh nghiệp mới đạt được những kết quả thiết thực, góp phần tăng uy tín cũng như tăng niềm tin của người tiêu dùng đối với doanh nghiệp trên thị trường./.