Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký trong hai tháng đầu năm nay đạt 5,46 tỷ USD, giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng vốn giải ngân ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 2%, theo thống kê đến 20/2/2021 của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Trong số vốn đăng ký nói trên, có 126 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giảm 74,8% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt 3,31 tỷ USD, giảm 33,9% so với cùng kỳ năm 2020; có 115 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 23,8% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt 1,61 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ; có 445 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 71,9% so với cùng kỳ với tổng giá trị vốn góp 543,1 triệu USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ.
Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 3 tỷ USD, chiếm 55,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,44 tỷ USD, chiếm 26,5% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký gần 485 triệu USD và gần 153 triệu USD.
Theo đối tác đầu tư, đã có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 1.64 tỷ USD, chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,07 tỷ USD, chiếm 19,6% tổng vốn đầu tư. Hàn Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,05 USD, chiếm 19,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…
Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 43 tỉnh, thành phố, trong đó Cần Thơ dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,31 tỷ USD, chiếm 24,1% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hải Phòng đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký gần 918 triệu USD, chiếm 16,8% tổng vốn đầu tư. Bắc Giang đứng thứ ba với gần 573 triệu USD, chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh…
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khu vực FDI trong hai tháng đầu năm ước đạt 38,07 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ, chiếm 76,1% kim ngạch xuất khẩu; không kể dầu thô thì ước đạt 37,9 tỷ USD, tăng 35,1% so với cùng kỳ, chiếm 75,7% kim ngạch xuất khẩu. Kim ngạch nhập khẩu tương ứng của khu vực này ước đạt 31,6 tỷ USD, tăng 31,2% so cùng kỳ và chiếm 66,6% kim ngạch nhập khẩu.
Tính chung trong hai tháng đầu năm 2021, khu vực FDI xuất siêu gần 6,5 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu gần 6,3 tỷ USD không kể dầu thô.
“Xuất siêu khu vực đầu tư nước ngoài đã bù đắp phần nhập siêu 3,9 tỷ USD của khu vực doanh nghiệp trong nước, giúp cả nước xuất siêu khoảng 2,6 tỷ USD”, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.
Theo PL/Thời báo Ngân hàng