Đòn bẩy nợ được giới chuyên gia nhìn nhận sẽ là rủi ro chủ đạo khiến các DN lớn gặp nhiều thách thức trong các kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trong năm nay.
Đầu năm chạy đua vay nợ
Quan sát thị trường trong tháng đầu năm 2021 cho thấy, làn sóng vay nợ thông qua phát hành trái phiếu của cộng đồng DN đang ở mức rất cao.
Ở lĩnh vực bán lẻ, tuần vừa qua Tập đoàn Masan (MNS) đã ra thông báo sẽ tiến hành phát hành thêm 14 triệu trái phiếu với tổng giá trị 1.400 tỷ đồng trong tháng 1/2021 với lãi suất từ 9,8-10%/năm. Trong năm 2020, MNS đã có ba đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng lượng vốn huy động khoảng 4.000 tỷ đồng.
Như vậy nếu tính cả đợt phát hành lần này thì Tập đoàn Masan là một trong những DN tư nhân dẫn đầu trong việc gia tăng vay nợ bằng trái phiếu và những rủi ro liên quan đến đòn bẩy nợ đã bắt đầu hiện hữu, bởi chỉ tính đến hết quý 3/2020, các khoản nợ vay thương mại và nợ thuê tài chính của MNS đã đạt mức gần 26.200 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu đã đạt mức gần 187,4%.
Ở lĩnh vực hạ tầng và bất động sản, cuộc đua phát hành trái phiếu cũng diễn ra cực kỳ sôi động. Trong tháng 1, các tên tuổi lớn như Becamex IJC, Sonadezi Châu Đức, An Phát, Hoàng Anh Gia Lai, HUD, Apec Group, Phú Mỹ Hưng… đều là những DN công bố huy động thêm hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu riêng lẻ. Lĩnh vực thực phẩm và thủy sản cũng không ngoại lệ, các tập đoàn như Biển Đông, Sao Ta, Camimex Group hiện cũng đang đưa ra kế hoạch vay nợ từ 300 tỷ đồng đến 1.500 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu.
Hầu hết các chuyên gia phân tích đều nhận định rằng, trong quý 1/2021, trái phiếu DN sẽ là kênh hút vốn mạnh trên thị trường. Bởi hiện nay nhiều kênh đầu tư đang gặp khó khăn như đồng USD được dự báo sẽ còn giảm giá, trong khi giá vàng cũng liên tục giảm kể từ đầu năm… “Vì vậy trong các tháng đầu năm 2021, các DN sẽ có xu hướng tăng số lượng trái phiếu phát hành, mặc dù có thể ý thức được rủi ro tác động xấu đến kết quả kinh doanh trong dài hạn”, TS. Chris D’Souza – Giám đốc Tài chính của CMA Australia nhận định.
Trái phiếu “rác” kích hoạt bong bóng tài sản
Theo ông Phan Lê Thành Long – Giám đốc Viện Kế toán quản trị công chứng Australia tại Việt Nam, trong quá khứ không thiếu trường hợp DN sử dụng vốn vay quá mức dẫn tới sụp đổ, hoặc lâm vào tình trạng tài chính yếu kém buộc phải tái cấu trúc.
Các trường hợp vỡ nợ của Công ty Sông Đà Thăng Long khi tỷ lệ nợ vay gấp 13 lần vốn chủ sở hữu, hoặc trường hợp của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Hoa Sen những năm gần đây đã buộc phải tái cấu trúc, bán bớt các công ty con khi gánh nặng nợ quá lớn thực sự là những thực tiễn đáng báo động về rủi ro đòn bẩy nợ trong cộng đồng DN.
Từ góc độ nghiên cứu, ông Lê Xuân Đồng – Giám đốc Khối Dịch vụ thị trường của Fiin Research cho rằng, chỉ số nợ thuần/EBITDA (đo lường mức thu nhập được tạo ra và có sẵn để trả nợ trước khi trả lãi, thuế, chi phí khấu hao) của DN bất động sản trong 9 tháng năm 2020 đã tăng vọt lên mức 6,6 lần. Vì vậy nguy cơ vỡ “bom nợ” trái phiếu ở nhóm DN bất động sản đã biểu hiện khá rõ khi hiện tại sức khỏe tài chính của nhiều DN nhóm ngành này đang sụt giảm nghiêm trọng và khả năng trả nợ bị phụ thuộc hoàn toàn vào sự khởi sắc của thị trường.
Chưa kể rằng hiện nay, làn sóng phát hành trái phiếu ở DN một số nhóm ngành đang có dấu hiệu của sự lạm dụng đòn bẩy nợ. Bởi theo ông Vũ Đức Tiến – Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), để huy động được vốn qua kênh trái phiếu, DN phải nâng cao uy tín của mình trước các trái chủ. Nhưng thời gian qua, nhiều DN đã lợi dụng trái phiếu DN, thậm chí biến trái phiếu là công cụ để tái cấu trúc nợ.
Ông Tiến cho rằng, trong bối cảnh thị trường trầm lắng như năm 2020, mà DN bất động sản vẫn ồ ạt huy động vốn qua phát hành trái phiếu là rất khó hiểu, không loại trừ khả năng phát hành trái phiếu để đảo nợ ngân hàng hoặc trả nợ cho trái phiếu cũ. Ngoài ra, thị trường trái phiếu hiện nay có sự tham gia của cả những DN “ba không” (không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán) thì nguy cơ trái phiếu rác sẽ rất lớn.
“Năm 2019 Bộ Tài chính thống kê đã có 17 DN phát hành trái phiếu vượt 50 – 100 lần vốn chủ sở hữu. Năm 2020 vẫn có những trường hợp huy động vốn từ trái phiếu cao gấp 37 lần vốn điều lệ như trường hợp của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xích lô đỏ thì thực sự nguy cơ bong bóng nợ đang hiện hữu và rất đáng báo động”, ông Tiến nói.
Để giảm thiểu các rủi ro từ tỷ lệ vay nợ quá lớn, theo ông Phan Lê Thành Long, các DN nên tránh chiến lược “quả mít”, có nghĩa là phát triển đa dạng hoá quá mức ra khỏi các hoạt động kinh doanh cốt lõi mà DN có lợi thế cạnh tranh và năng lực. Thay vào đó nên tập trung cho các kế hoạch mở rộng thị trường cho các sản phẩm sẵn có, hoặc phát triển các sản phẩm mới trên thị trường quen thuộc nhằm đảm bảo duy trì năng lực lõi và lợi thế cạnh tranh.
Theo Thạch Bình/Thời báo Ngân hàng