Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu và container.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng gửi Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải về việc kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc tăng giá thuê tàu và container.
Phó Thủ tướng giao 2 bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để có các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa trước tình trạng tăng giá thuê tàu và container.
Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo về chi phí xuất nhập khẩu hàng hóa gia tăng do hiện tượng tăng giá thuê tàu và container. Theo đó, từ tháng 10-2020, một số doanh nghiệp xuất khẩu đã có phản ánh về tình trạng giá cước tàu biển tăng cao, khó khăn trong việc đặt thuê tàu, cùng với đó là việc khó khăn trong tìm container rỗng để đóng hàng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cơ quan này vừa phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) làm việc với đại diện các doanh nghiệp, hãng tàu và một số cơ quan liên quan về việc tăng giá vận tải hàng hóa container bằng đường biển trong thời gian qua. Cụ thể, nhiều chủ hàng trong các ngành thủy sản, nhựa và gỗ phản ánh hơn 3 tháng nay giá thuê container rỗng liên tục tăng, từ mức ban đầu chưa tới 1.000 USD/container 40 feet nay đã đội giá lên tới 8.000 USD, thậm chí 10.000 USD/container 40 feet đi thị trường Anh, tức mức tăng lên tới 10 lần.
Việc tăng cước vận tải biển lên gấp 3-4 lần trong thời gian vừa qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các doanh nghiệp ngành nhựa, làm giảm doanh số xuất khẩu. Bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), cho biết một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng sản xuất do giá cước tàu biển quá cao. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp nhựa khác thì bán hàng gần không lợi nhuận nhưng lượng hàng xuất đi vẫn rất chậm, số lượng hàng tồn kho so với thời điểm này năm ngoái lên đến 50%. Vì vậy, VPA đã kiến nghị Cục Hàng hải xem lại cách tính cước của các hãng tàu và trong thẩm quyền phối hợp với các cơ quan khác tiến hành thanh tra, kiểm tra lại giá cước vận chuyển.
Trong khi đó, đại diện các hãng tàu lý giải do ảnh hưởng dịch bệnh khiến việc giải phóng hàng và quay vòng container rỗng bị kéo dài. Cùng với đó, lượng hàng xuất đi châu Âu, Mỹ tăng đột biến dẫn tới thiếu container rỗng đóng hàng. Theo các hãng tàu, tình hình này ít nhất kéo dài đến hết tháng 3-2021, thậm chí có thể đến quý II/2021 nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp. Do đó, các hãng tàu đề xuất cơ quan chức năng xem xét giải quyết tình trạng hàng ngàn container vô chủ ở cảng để lấy nguồn container rỗng cho xuất khẩu.
Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để làm việc với các các hiệp hội, doanh nghiệp, các hãng tàu để bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn nêu trên.
Về phía Bộ Giao thông vận tải, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, cho biết trước phản ánh của doanh nghiệp, cơ quan này đã có văn bản đề nghị hãng tàu thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá. Theo ông Giang, việc giá cước thuê container rỗng đóng hàng tăng là cung cầu của thị trường nhưng các hãng tàu cần thực hiện yêu cầu của Cục Hàng hải trong minh bạch giá. Đối với các đề xuất phương án ứng phó như giải tỏa container tồn đọng ở cảng, ông Giang cho biết cơ quan này sẽ xem xét sớm.