Categories Thị trường

Xuất khẩu Việt Nam vào khu vực EAEU mới chỉ chiếm 0,5% thị phần

Thị trường khu vực Liên minh kinh kế Á – Âu vẫn còn dư địa rất lớn để các DN Việt Nam tìm hiểu và khai thác mở thị trường xuất khẩu.

Trong những năm qua, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước khu vực Á – Âu (EAEU) không ngừng được phát triển. Trước diễn biến bất ổn của thương mại toàn cầu và đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch hai chiều trong 10 tháng năm 2020 giữa hai bên vẫn đạt 10,34 tỷ USD, tăng 17,98%.

Điều này cho thấy, thị trường khu vực khu vực EAEU vẫn có tăng trưởng ấn tượng trong bức tranh xuất nhập khẩu của Việt Nam. Song nhiều ý kiến cho rằng, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Khu vực này mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ, trong khi dư địa còn rất lớn.

Sản phẩm may mặc của Việt Nam được thị trường khu vực EAEU đánh giá cao.

Bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay tổng thương mại song phương của Việt Nam với các khu vực Đông Á, Đông Âu và Trung Á vào khoảng 10 tỷ USD. Nhưng nếu so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường này, con số đó mới chỉ chiếm 0,5% thị phần.

“Đây là cơ hội lớn và cũng là yêu cầu cấp bách đối với các DN Việt Nam. Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ đã trình lên Bộ Công Thương kế hoạch hỗ trợ DN, thông qua hệ thống các Thương vụ, các Đại sứ quán các nước Đông Âu, để có thể hỗ trợ các DN Việt Nam về thông tin thị trường”, bà Ngọc cho biết.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, hiện nay, sự hỗ trợ của hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước, các Đại Sứ quán/Cơ quan đại diện thương mại của các nước tại Việt Nam sẽ là yếu tố quan trọng để gia tăng các cơ hội xuất, nhập khẩu hàng hóa, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu vào EAEU.

Ông Dương Hoàng Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga đánh giá, vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga. Bởi FTA Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á – Âu (VN-EAEU FTA) dù đã có hiệu lực từ tháng 10/2016, nhưng đến nay DN hai nước chưa tận dụng hết các ưu đãi thuế quan. Tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi hiệp định chỉ ở mức 30%.

“Các Thương vụ của Việt Nam tại EAEU đóng vai trò đầu mối quan trọng cho công tác xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu hình ảnh của Việt Nam tại Khu vực. Đặc biệt là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như thủy sản, rau quả tươi và chế biến, hàng điện tử và linh kiện điện tử, dệt may, đồ gỗ và da giày…”, ông Minh cho biết.

Doanh nghiệp cần hiểu rõ thuế quan và các rào cản

Việt Nam hiện là đối tác FTA đầu tiên của EAEU, điều này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có lợi thế đặc biệt. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, các DN Việt Nam cũng gặp không ít thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực nông, thủy sản dù các mặt hàng này cơ bản đều là những mặt hàng thiết yếu, có chất lượng và giá cả tốt.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Trưởng phòng Hội nhập và đầu tư, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho rằng, thách thức chủ yếu của các DN xuất khẩu của Việt Nam khi tiếp cận EAEU là các hàng rào kỹ thuật trong thương mại cũng như các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động, thực vật.

Ngoài ra, bà Hạnh cũng đề cập góc độ quy trình, thủ tục nhập khẩu tương đối phức tạp và không rõ ràng, không nhất quán ngay trong bản thân nội khối 5 nước EAEU. Cùng với đó là các rào cản khác có thể kể đến là giao dịch với các đối tác EAEU sử dụng chủ yếu bằng đồng RUP và ngôn ngữ tiếng Nga, thiếu thông tin về đối tác bạn hàng; cơ chế thanh toán không thuận tiện…

Để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường khu vực EAEU, nhiều chuyên gia khuyến nghị các DN Việt Nam cần có chiến lược, xác định các sản phẩm có lợi thế, có nhu cầu tại thị trường mục tiêu, từ đó tăng cường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ, các DN cần nắm bắt đầy đủ lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu; chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn và tận dụng cơ hội và sẵn sàng cạnh tranh.

“Về lâu dài, các cơ quan Chính phủ hỗ trợ cho các DN những rào cản về phi thuế quan, chẳng hạn như việc công nhận lẫn nhau đối với một số sản phẩm nông sản; các tiêu chuẩn về nông nghiệp, kiểm chuẩn và hỗ trợ nhau về thủ tục hải quan. Các DN xuất khẩu của Việt Nam cần tham gia tích cực hơn về xúc tiến thương mại để nhìn thấy những vướng mắc, đưa yêu cầu cụ thể hơn để được hỗ trợ để giải quyết”, Bà Ngọc chỉ rõ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cũng khẳng định, với vai trò là cơ quan chủ trì các hoạt động hợp tác song phương và đa phương, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng DN, thông qua các cơ chế Ủy ban hỗn hợp, Ủy ban liên Chính phủ….

“Bộ tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ các rào cản, thiết lập các khung khổ pháp lý thuận lợi hóa thương mại, đầu tư; tăng cường hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối, tọa đàm, đối thoại, trao đổi thông tin giữa các thị trường với các địa phương và DN”, ông An cam kết./.