Tìm “diễn viên” thú ở Việt Nam không dễ!

Dự án phim điện ảnh “Cậu Vàng”, chuyển thể từ tác phẩm văn học “Lão Hạc” của cố nhà văn Nam Cao, gây tranh cãi dữ dội sau khi nhà sản xuất chọn giống chó Shiba Inu 2 tuổi của Nhật Bản vào vai chính.

 Shiba Inu được chọn sau khi vượt qua hàng trăm ứng viên và thử thách tại buổi thử vai theo những tiêu chí được đưa ra từ phía nhà sản xuất: chó đực, thông minh, phản ứng nhanh nhẹn, thân thiện.

Khi biết thông tin này, dư luận chia ra 2 luồng ý kiến tranh cãi trái chiều. Một phía cho rằng chọn chú chó Nhật vào vai chó Việt trong bối cảnh gia đình đói nghèo là vô lý. Nếu lão Hạc đủ tiền mua Shiba Inu làm vật nuôi trong nhà thì câu chuyện chẳng thể có đoạn ông đói đến mức bán chó cưng để duy trì sự sống.

Phía ý kiến phản bác lại cho rằng để tìm kiếm một “diễn viên 4 chân” biết nghe lời, hợp tác với máy quay là chuyện không dễ. Phim có thể không bám sát nguyên tác nên việc “diễn viên 4 chân” gốc Nhật hay nước nào khác cũng không phải vấn đề lớn.

Chú chó được chọn đóng chính trong phim “Cậu Vàng” sau vòng thử vai. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)

Việc làm phim có thú vật được đẩy lên tuyến chính ở Việt Nam lâu hay không hề dễ. Đoàn phim “Chàng vợ của em” từng khốn đốn với chú chó tên Tèo vào vai Heo. Tèo làm khó từ phó đạo diễn, nhân viên đoàn đến diễn viên Thái Hòa. Khi tập thì Tèo diễn tốt nhưng lúc đứng trước máy quay thì lại ngoáy đuôi bỏ đi. Chỉ riêng mỗi cảnh nhân vật Hùng nhảy lên ghế khi nhìn thấy chú chó trong nhà thôi mà cũng phải quay đến 4-5 giờ mới xong. Vất vả là thế nhưng không thể trách được Tèo vì đây không phải là chú chó được huấn luyện làm diễn viên với năng khiếu, kỹ năng đặc biệt. Phim “Kẻ trộm chó” cũng sử dụng nhiều chú chó tham gia vào nhiều phân đoạn diễn xuất. Nhà làm phim đã gặp không ít khó khăn để chỉ đạo cho những “diễn viên 4 chân” này…

Điện ảnh Việt chưa đủ các phương tiện để đào tạo, huấn luyện những diễn viên thú chuyên nghiệp như các nền điện ảnh tiên tiến. Vì không có sẵn nguồn, các nhà sản xuất cố gắng né tránh hết mức có thể. Nếu cần thiết buộc phải sử dụng, họ cũng xem đây là tuyến nhân vật phụ, góp phần phụ họa hơn là dẫn dắt câu chuyện.

Có lẽ công chúng cần thông cảm với những nhà sản xuất can đảm đụng vào khâu khó khăn nhất của điện ảnh Việt hiện nay. Đây cũng là cách động viên để thị trường điện ảnh Việt đa dạng thể loại, chủ đề hơn.

Theo Minh Khuê/Người Lao động