Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh BRT

Hà Nội sẽ có 8 tuyến xe buýt nhanh để kết nối giao thông công cộng. Tuy nhiên, vấn đề mở rộng vùng hoạt động của xe buýt nhanh BRT hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Báo An ninh Thủ đô đưa tin, theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 của Thủ tướng Chính phủ, mạng lưới xe buýt nhanh tại Hà Nội sẽ gồm 8 tuyến: Kim Mã – Lê Văn Lương – Yên Nghĩa (khoảng 14km); Ngọc Hồi – Phú Xuyên (đi theo QL1 cũ, khoảng 27km); Sơn Đồng – Ba Vì (khoảng 20km);

Tuyến Phù Đổng – Bát Tràng – Hưng Yên (khoảng 15km); Gia Lâm – Mê Linh (Vành đai 3, khoảng 30km); Mê Linh – Sơn Đồng – Yên Nghĩa – Ngọc Hồi – QL5 – Lạc Đạo (Vành đai 4, khoảng 53km); Ba La – Ứng Hòa (khoảng 29km); Ứng Hòa – Phú Xuyên (khoảng 17km).

Cùng đó, một số tuyến đường sắt đô thị khi chưa xây dựng có thể sử dụng hình thức xe buýt nhanh tuyến số 4 (Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Bắc Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh), tuyến số 8 (Cổ Nhuế – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá) và tuyến Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai.

Xe buýt nhanh BRT. Ảnh: Báo Giao thông

Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, vấn đề mở rộng vùng hoạt động của xe buýt nhanh BRT hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, vấn đề mở rộng vùng hoạt động của xe buýt nhanh BRT hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Trước mắt, khi các tuyến đường sắt đô thị trên cao sắp “cán đích”, Sở GTVT Hà Nội đã tính toán phương án kết nối giữa BRT với toàn mạng lưới giao thông công cộng để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã đầu tư.

Cụ thể, Sở GTVT đã rà soát điều chỉnh, tổ chức lại mạng lưới xe buýt thường để kết nối với tuyến BRT tại các điểm đầu cuối Kim Mã (11 tuyến), BX Yên Nghĩa (15 tuyến) và dọc hàng lang tuyến (24 tuyến).

“Đối với việc kết nối với tuyến đường sắt số 2A (Cát Linh – Hà Đông), Sở GTVT đã xây dựng phương án kết nối 16 tuyến buýt (trong đó có tuyến BRT), gồm các tuyến: 09B, 19, 22C, 23, 28, 29, 30, 33, 44, 60A, 60B, 25, 85, 90, 99, 105 kết nối ngang giữa tuyến BRT và tuyến đường sắt 2A)”, ông Viện cho hay.

“Cùng đó, ga Yên nghĩa kết nối trực tiếp 20 tuyến (01, 02, 21A, 27, 37, 57, 62, 72, 89, 91, 102, 75, 213, CNG02, CNG07, BRT và 04 tuyến mở mới gồm: BX Yên Nghĩa – Chúc Sơn – Thị trấn Vân Đình; BX Yên Nghĩa – Kênh Đào; BX Yên Nghĩa – Miếu Môn; BX Yên Nghĩa – Hồng Dương). Tại ga Cát Linh cũng điều chỉnh 4 tuyến buýt (23, 25, 50, 90) kết nối với tuyến BRT”, ông Viện thông tin thêm.

Tại ga Cát Linh cũng điều chỉnh 4 tuyến buýt (23, 25, 50, 90) kết nối với tuyến BRT.

Liên quan đến việc phát huy kết nối các tuyến buýt nhanh, mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã ký phê duyệt kế hoạch Phát triển phương tiện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố, giai đoạn từ năm 2021 – 2030.

Trong đó xác định BRT và các tuyến đường sắt đô thị là khung cơ bản cho toàn mạng lưới. Các loại hình vận tải vận tải hành khách công cộng khác mang tính kết nối, hỗ trợ gom khách.

Theo Minh Khuê/Thương hiệu&Pháp luật