Categories Uncategorized

Tận dụng cơ hội từ Hiệp định RCEP: Doanh nghiệp cần đặt mình vào thế chủ động

Nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định RCEP, doanh nghiệp cần đặt mình vào thế chủ động, tích cực tiếp cận thông tin về hội nhập, cũng như chuẩn bị các yếu tố về nhân lực, công nghệ để có thể hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết giữa 15 nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương vừa qua trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao trùm gần một phần ba dân số và khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phân tích, RCEP là một khu vực thương mại và kinh tế được hình thành với quy mô lớn, bao gồm 15 nền kinh tế có trình độ phát triển ở những mức khác nhau, cơ cấu kinh tế mang tính bổ sung cho nhau.

Đây là cơ hội rất thuận lợi cho tất cả các nước tham gia Hiệp định cũng như doanh nghiệp (DN) của các nước trong hiệp định cơ cấu và định vị lại các chuỗi cung ứng, tham gia vào chuỗi giá trị trên phạm vi toàn cầu. Phạm vi quy mô của khu vực này đủ lớn để tất cả DN của các nước, kể cả DN lớn cho đến DN vừa và nhỏ có cơ hội tính toán, xây dựng lại chiến lược của mình để tham gia vào chuỗi cung ứng này.

Bên cạnh đó, những điều kiện và yêu cầu rất cụ thể trong hiệp định sẽ giúp mở cửa thị trường của hàng hóa thương mại, dịch vụ và đầu tư. “Ngoài ra, mục tiêu và nền tảng chính của hiệp định này là dựa trên ba yếu tố. Thứ nhất, tiếp tục tạo ra hài hòa về các thủ tục xuất xứ. Thứ hai, tiếp tục thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại. Thứ ba, tiếp tục tạo những môi trường thuận lợi để kết nối các nền kinh tế, kiến tạo cơ hội cho tăng cường năng lực sản xuất để thực hiện được quan điểm xây dựng ASEAN trở thành một khu vực kinh tế đông nhất, duy nhất trong khía cạnh sản xuất và thị trường”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Hiệp định RCEP được xem là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam. Ảnh minh họa.

Đồng ý kiến với Bộ trưởng Công thương, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, khi có hiệu lực, DN xuất khẩu có thể dùng chung một mẫu giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) thay vì từng mẫu C/O cho từng thị trường như hiện nay, giúp đơn giản thủ tục hơn cho DN. Những cam kết xuất xứ nội khối cho phép nguồn nguyên liệu được mở rộng hơn thay vì cam kết khá chặt chẽ từ các Hiệp định như CPTPP hay EVFTA.

RCEP là hiệp định thứ 13 của Việt Nam và được ký kết trong bối cảnh thương mại quốc tế suy giảm bởi dịch Covid-19, hy vọng tạo thêm cơ hội cho xuất khẩu, vốn là một trong những động lực tăng trưởng của Việt Nam.

Song song với thuận lợi, áp lực từ RCEP đối với cộng đồng DN cũng rất lớn khi sẽ có nhiều hàng hóa có cơ cấu sản phẩm tương tự tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt. Trong đó, đáng lo ngại nhất là hàng hóa từ Trung Quốc với lợi thế phong phú, giá rẻ.

Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean chia sẻ, không thể phủ nhận bất kỳ hiệp định nào cũng đều mang lại những thuận lợi và cơ hội mới cho DN nên việc có thêm một FTA mới là điều hết sức cần thiết cho DN, nhất là DN dệt may trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Tuy nhiên với Hiệp định RCEP vốn có thêm Trung Quốc là nước có FTA mới với Việt Nam. Do đó, dù có ưu đãi về thuế quan khiến nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc về sẽ giảm nhưng việc xuất khẩu dệt may sang Trung Quốc có thể sẽ khó hơn. Bởi Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may tốp đầu thế giới, sức cạnh tranh rất mạnh. Khi được giảm thuế sẽ giúp nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng này so với hàng hóa Việt Nam.

Để kịp thời hỗ trợ cho DN, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị với Chính phủ sớm xây dựng các giải pháp phát triển ngành dệt may đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Theo đó quy hoạch được các khu vực, địa phương chiến lược của ngành; đầu tư vào các khu công nghiệp có các nhà máy dệt nhuộm, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn về môi trường, hỗ trợ DN tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng dệt may, nâng cao sức cạnh tranh.

Ngoài ra, giống như rất nhiều các khung khổ hội nhập khác, các DN muốn tận dụng tốt cơ hội từ RCEP thì cần nghiên cứu kỹ hiệp định với lĩnh vực, ngành nghề mình đang sản xuất kinh doanh để từ đó có kế hoạch chuẩn bị trước. Bên cạnh đó, cần luôn đặt mình vào thế chủ động, tích cực tiếp cận thông tin về hội nhập, cũng như chuẩn bị các yếu tố về nhân lực, công nghệ để có thể hợp tác, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm với các DN nước ngoài. Lợi ích lớn chỉ dành cho các DN chủ động và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm đón đầu cơ hội.

Theo Phương Mai/Vietq.vn