Categories Doanh nghiệp

Ký kết Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực RCEP

Trải qua 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết vào ngày 15/11/2020 trong khuôn khổ Hội nghị thương đỉnh ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam tổ chức.

Phát huy vai trò chủ tịch ASEAN năm nay, Việt Nam đã quyết định áp dụng một cách tiếp cận phi truyền thống để thúc đẩy hiệp định được ký kết bằng hình thức trực tuyến.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết vào ngày 15/11/2020.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 15 quốc gia (trừ Ấn Độ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này), bao gồm 10 nước thuộc khối ASEAN và năm quốc gia mà ASEAN đã có hiệp định tư do thương mại gồm Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Hiệp định gồm 20 Chương và các phụ lục kèm theo đảm bảo bao trùm toàn bộ các lĩnh vực liên quan đến tự do hóa thương mại như Chương Thương mại hàng hóa, Chương Thương mại dịch vụ, Chương Quy tắc xuất xứ, Chương Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại ….

Trong đó, chương Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật và Quy trình đánh giá sự phù hợp (STRACAP) không chỉ đưa ra các cam kết về thúc đẩy thực hiện Hiệp định WTO về Hàng rào Kỹ thuật trong Thương mại (Hiệp định TBT) mà còn đưa ra các cam kết về thừa nhận và chấp nhận các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp của mỗi Bên; tăng cường trao đổi thông tin và hợp tác trong lĩnh vực này. Các mục tiêu sẽ đạt được thông qua các điều khoản thừa nhận vai trò quan trọng của tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế có thể góp phần giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại; đảm bảo rằng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp nhất quán với các quy định liên quan của Hiệp định TBT; thừa nhận tầm quan trọng của việc chấp nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp; tăng cường minh bạch hóa; và xác nhận các khả năng hợp tác song phương hoặc đa phương cùng có lợi.

Hiệp định được kỳ vọng thúc đẩy chuỗi cung ứng của vùng và giúp nền kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng.

Chương STRACAP cũng nhấn mạnh nhu cầu hợp tác, chỉ định các đầu mối liên lạc và thảo luận kỹ thuật để giải quyết các vấn đề liên quan đến thực thi Chương này; Chương Giải quyết Tranh chấp không áp dụng cho Chương STRACAP, mặc dù vậy, việc không áp dụng giải quyết tranh chấp sẽ được xem xét sau hai năm kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực.

Mặc dù thương mại quốc tế còn nhiều bất ổn tiềm tàng, việc ký kết hiệp định RCEP thể hiện niềm tin vào mở cửa thị trường sẽ dẫn tới tăng trưởng kinh tế cao hơn, xa hơn. Tầm quan trọng của hiệp định RCEP còn được nhấn mạnh hơn trong việc hồi phục kinh tế hậu COVID-19. Hiệp định sẽ thúc đẩy mạnh mẽ chuỗi cung ứng của vùng và giúp nền kinh tế Việt Nam và ASEAN phát triển thịnh vượng. Thương mại nội khối của châu Á vốn đã lớn hơn thương mại giữa châu Á với Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại, sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu và kéo trọng lực trung tâm kinh tế ngày càng gần lại châu Á.

Theo Tú Quyên/Vietq.vn