Từ ngày 01/11/2020 đến ngày 31/10/2023, Ban Chỉ đạo 389/TP thành phố Hà Nội sẽ triển khai cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố
Cụ thể, thực hiện Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố xây dựng Kế hoạch số 03/KH-BCĐ389 ngày 5/11/2020 về tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Theo đó, tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng, nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tăng cường rà soát, nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở để hoàn thiện cơ chế chính sách thích ứng với pháp lý và tập quán quốc tế về hoạt động thương mại điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử, về các hành vi, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử cho các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn Thành phố; nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; tạo sức lan tỏa, sâu rộng để người dân tích cực, chủ động tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.
Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ, kiến thức chuyên môn và thường xuyên cập nhật các quy định của pháp luật về thương mại điện tử cho các lực lượng chức năng; nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi vi phạm phát luật trong hoạt động thương mại điện tử.
Ngoài ra, BCĐ 389/TP cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tên miền, website, mạng xã hội của các đối tượng ở nước ngoài và đối tượng sử dụng các dịch vụ trên không gian mạng do nước ngoài cung cấp xuyên biên giới để hoạt động thương mại điện tử vi phạm pháp luật nước Việt Nam.
Khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; phát hiện và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật.
Liên quan tới tình hình phát triển thương mại điện tử, tại Việt Nam, loại hình này được đánh giá đang phát triển mạnh kèm theo lượng khách mua hàng qua các sàn giao dịch trực tuyến tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, hiện nay, truy cập mua sắm trên sàn thương mại điện tử tăng hơn 150% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng khách truy cập các sàn tăng ấn tượng, với 3,5 triệu lượt khách/ngày. Nhiều sàn giao dịch như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo… có trên 200.000 đơn/ngày. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2020, doanh thu thương mại điện tử từ doanh nghiệp tới khách hàng (B2C) tại Việt Nam năm 2019 là 10,08 tỷ USD, chiếm 4,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước, 42% dân số mua sắm trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng đạt 25%.
Mặc dù có những bước phát triển mạnh mẽ, mang lại nhiều tích cực đối với người tiêu dùng, tuy nhiên, thương mại điện tử cũng được đánh giá là nơi diễn ra nhiều hoạt động gian lận thương mại, buôn lậu và hàng giả. Năm 2019, cơ quan chức năng kiểm tra hơn 2.400 vụ việc, xử lý trên 2.200 vụ việc vi phạm về thương mại điện tử và các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, nhập lậu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt trên 16,9 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 40 tỷ đồng.
Riêng trong 9 tháng đầu năm 2020, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, xử lý một số hệ thống thương mại điện tử như Ansan Cosmetics, website Kagawa.vn và Minhchay.com. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ gần 223.600 gian hàng và hơn 1 triệu sản phẩm, qua đó xử lý trên 30.000 gian hàng với gần 48.000 sản phẩm vi phạm.
Theo Bảo Lâm/Vietq.vn