Categories Uncategorized

Nợ xấu chực chờ các công ty tài chính tiêu dùng

Nợ xấu ngành tài chính tiêu dùng sẽ tăng là điều khó tránh khỏi, do các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các khoản vay tín chấp và thẻ tín dụng cho phân khúc khách hàng đại chúng, vốn có thu nhập thấp và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế…

Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng (TCTD) ngoài ngân hàng đạt 123 nghìn tỷ đồng năm 2019 và gần như không có tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2020. Tốc độ tăng trưởng chậm lại đáng kể cộng với việc số lượng khách hàng thuộc phân khúc này đã lên tới gần 10 triệu người cho thấy thị trường đã bước qua giai đoạn khai phá khác hàng mới.

Vì thế, tăng trưởng tín dụng các năm tiếp của các công ty TCTD theo sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu thực tế tăng lên của khách hàng hiện hữu.

3 “ông lớn”  cầm trịch cuộc chơi

Xét về quy mô thị phần, dù trên thị trường hiện đang có sự cạnh tranh của 16 công ty tài chính cùng hàng chục ngân hàng có dịch vụ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, cầm trịch cuộc chơi vẫn là 3 “ông lớn” gồm FE Credit, HD Saison và 1 doanh nghiệp vốn nước ngoài Home Credit. Trong đó, FE Credit đang nắm tới gần 50% thị phần, bỏ xa hai doanh nghiệp còn lại là Home Credit (15%) và HD Saison (9%) – thống kê của VCBS.

Cụ thể, với FE Credit, dư nợ đến cuối tháng 6/2020 của công ty tài chính này đạt hơn 60.000 tỷ đồng và gần 2.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Liên tiếp từ năm 2016 đến nay, FE Credit luôn được các quĩ đầu tư nước ngoài rót vốn với tổng số tiền lên tới 1,2 tỷ USD để gia tăng tiềm lực tài chính phát triển kinh doanh. Do đó, không khó hiểu khi giai đoạn 2015 – 2019, tổng tài sản của FE Credit đã tăng từ 23.000 tỷ đồng năm 2015 lên gần 70.000 tỷ đồng tính đến cuối năm 2019. Mục tiêu trong năm 2020 của FE Credit là duy trì mức lợi nhuận 4.000 tỷ đồng, ngang bằng năm ngoái cùng thị phần hơn 50% trong ngành TCTD.

Hiện tại, FE Credit đã phục vụ khoảng 10 triệu khách hàng, hợp tác với hơn 9.000 đối tác tại hơn 13.000 điểm bán hàng trên toàn quốc; có hơn 4 triệu tài khoản sử dụng các dịch vụ tài chính tiêu dùng thường xuyên.

Trong khi đó với HD Saison, kết quả kinh doanh của DN này rất ít được cập nhật. Mới nhất, tại đại hội đồng cổ đông năm 2020 của HD Bank, kết quả sơ bộ về hoạt động của công ty này mới được hé lộ. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của HD Saison trong năm 2019 là 3.841 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 1.040 tỷ đồng và 831 tỷ đồng, tăng trưởng trên 15%.

Hiện nay, HD Saison sở hữu mạng lưới giới thiệu dịch vụ tại 14.000 điểm, hợp tác với 9.000 đối tác và phục vụ trên 5 triệu khách hàng. Các sản phẩm chính HD Saison đang cung cấp cho thị trường chủ yếu gồm: Cho vay trả góp xe gắn máy, cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và cho vay trả góp tiền mặt.

Còn với Home Credit, thông tin mới nhất về kết quả kinh doanh của DN này là từ… năm 2018. Theo đó, “ông lớn” này ghi nhận lãi trước thuế chỉ đạt 1.845 tỷ đồng, bị giảm 219 tỷ so với năm 2017. Nguyên nhân lợi nhuận giảm đến từ việc Home Credit đã phải trích lập 1.465 tỷ đồng, tăng 56% và bị “bào mòn” 44% lợi nhuận thuần. Về tổng tài sản, đạt 24.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2019.

Hiện, mạng lưới của Home Credit cũng rất lớn với hơn 8.000 điểm giới thiệu dịch vụ tại 63 tỉnh, thành phố cuối năm 2019. Với hơn 8.500 nhân viên hiện diện trên khắp cả nước, Home Credit đang có tổng cộng 8,54 triệu khách hàng với 3 sản phẩm chính: Cho vay trả góp xe gắn máy, cho vay trả góp hàng điện máy gia dụng, điện tử và cho vay trả góp tiền mặt.

Một số công ty tài chính khác thì có thị phần nhỏ hơn, chẳng hạn như: Mcredit (6%); Shinhan Finance (5%); Mirae Asset (3%); JACCS (2%)…

thumbnail

Nợ xấu chực chờ

Khi nền kinh tế bị tổn thương vì dịch Covid-19, làn sóng cắt giảm lao động đã đang lan ra trong nhiều ngành nghề như hàng không, du lịch, bán lẻ, giải trí, ăn uống… Và hệ quả tất yếu là thu nhập của nhiều hộ gia đình và cá nhân sẽ suy giảm, kéo theo khó khăn lên việc chi trả các khoản nợ tiêu dùng đến hạn.

Theo dõi rất sát VPB thời gian qua, Công ty CP Chứng khoán VnDirect đưa ra nhận định trong báo cáo mới đây của mình, rằng để đối phó với sự không chắc chắn của đại dịch, FE Credit – công ty TCTD của VPB – đã ngừng cho vay đối với các khách hàng mới và thay vào đó là tập trung cho vay các khách hàng hiện tại.

Nhìn lại báo cáo 6 tháng đầu năm của FE Credit, có thể thấy doanh nghiệp ghi nhận tỷ lệ nợ quá hạn tăng lên mức 19,3% và tỷ lệ nợ tái cơ cấu theo thông tư 01 ở mức 7% dư nợ. Cụ thể, với sản phẩm cho vay tiền mặt, tỷ lệ nợ nhóm 2 (nợ quá hạn) nhảy vọt lên tới 15,2%, trong khi tỷ lệ nợ xấu với sản phẩm này là 5,5%; đối với sản phẩm thẻ tín dụng, tỷ lệ nợ nhóm 2 là 9,7%, và tỷ lệ nợ xấu là 6,3%; cho vay mua xe máy có tỷ lệ nợ nhóm 2 là 11% và nợ xấu 3,6%; cuối cùng là sản phẩm cho vay hàng gia dụng, tỷ lệ nợ nhóm 2 là 7,3% và tỷ lệ nợ xấu là 2,7%.

Bên cạnh tỷ lệ gia tăng nợ quá hạn, việc tập trung vào phân khúc khách hàng rủi ro cao, FE Credit phải thực hiện trích lập mạnh mẽ với chi phí dự phòng hàng năm lên tới 15% dư nợ cho vay.

Đặc biệt, do đặc thù của phân khúc, khâu thu hồi nợ là khâu rất quan trọng đối với FE Credit, song với Luật đầu tư sửa đổi quy định cấm hoạt động dịch vụ đòi nợ thuê từ 1/1/2021 có thể ảnh hưởng mạnh tới hoạt động của FE-Credit khi đây hiện đang là một phương thức thu hồi nợ được sử dụng không chỉ ở FE Credit mà còn ở nhiều ở công ty TCTD khác.

Với HD Saison và Home Credit, tình hình “sức khỏe” tài chính của các DN này hầu như không được cập nhật. Tuy nhiên, với đặc thù tập trung vào khách hàng đại chúng nên dưới ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, theo đánh giá của các công ty chứng khoán thì nợ xấu TDTD theo đó cũng sẽ gia tăng nếu các công ty tài chính không có các chính sách miễn, giảm hoặc giãn nợ cho khách hàng.

Tìm hướng đi mới…

Không chỉ có dịch Covid-19, theo Thông tư 18 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, đòi hỏi các công ty TCTD ngay từ bây giờ phải xây dựng một chiến lược mới.

Cụ thể, thông tư quy định các công ty tài chính phải giảm tỷ lệ cho vay tiền mặt với khách hàng trên tổng dư nợ tín dụng xuống 70% kể từ đầu năm 2021. Tỷ lệ này sau đó sẽ phải giảm tiếp xuống 60% trong năm 2022, 50% từ năm 2023 và xuống 30% từ đầu năm 2024. Quy định này sẽ áp dụng cho khách hàng có tổng dư nợ cho vay giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng. Việc “siết” cho vay tiền mặt này được đánh giá sẽ gây áp lực lớn lên mô hình kinh doanh của các công ty TCTD.

Chẳng hạn, trong cơ cấu dư nợ của FE Credit, sản phẩm cho vay tiền mặt chiếm 59% tổng dư nợ, sản phẩm cho vay thẻ tín dụng (dành cho khách hàng có lịch sử tín dụng tốt và có thể dùng để rút tiền mặt) chiếm 30%, còn lại là sản phẩm cho vay mua hàng gia dụng điện tử và cho vay mua xe. Có thể thấy, việc tăng trưởng tín dụng của FE Credit chủ yếu dựa vào sản phẩm cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng; mức lãi suất trung bình của sản phẩm này cũng khá cao lên tới >40%/năm, nên việc “siết” tiền mặt sẽ là áp lực với đà tăng trưởng của FE Credit trong những năm tới.

Home Credit cũng cho vay tiền mặt đáng kể, với khoảng 58% dự nợ tại thời điểm cuối năm 2018. Vì vậy, sắp tới DN này sẽ phải định vị lại danh mục cho vay với các bộ sản phẩm mới để đáp ứng quy định “siết” cho vay tiền mặt.

Riêng với HD Saison, đơn vị này sẽ hầu như không bị ảnh hưởng bởi quy định mới, bởi cho vay tiền mặt hiện chỉ chiếm 32% tổng dư nợ cuối năm 2018 tại công ty này. Dù vậy, để đáp ứng tình hình mới, HDBank đang có kế hoạch chuyển đổi công ty tài chính HD Saison sang Công ty cổ phần, có thể IPO HD Saison, tìm kiếm đối tác chiến lược khi có điều kiện thuận lợi chuyển đổi thành vốn góp.

Tương tự, FE Credit cũng đã có kế hoạch chuyển đổi hình thức pháp lý từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần. Ngày 13/2, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần. Động thái này có thể là bước chuẩn bị cho việc huy động thêm nguồn vốn từ bên ngoài thông qua việc phát hành cho đối tác, hoặc tiến hành niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Còn với Home Credit mới đây đã được NHNN sửa đổi Giấy phép thành lập và hoạt động DN, theo đó, vốn điều lệ của công ty tài chính này được điều chỉnh tăng mạnh từ mức 550 tỷ đồng lên 2.050 tỷ đồng. Việc tăng vốn này có thể là bước đầu tiên để “ông lớn” này cạnh tranh thị phần với các đối thủ khác trong bối cảnh đầy khó khăn mới…

Theo An Nhiên/Chất lượng&cuộc sống