Sốt xuất huyết có khả năng bùng phát dù không phải năm trong chu kỳ dịch

 Số ca mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận gần 3.000 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Riêng trong tuần qua, trên địa bàn thành phố có thêm 29 ổ dịch mới với 328 ca mắc. Tuy số ca mắc giảm 65 ca so với tuần trước đó nhưng xu hướng chung các tuần gần đây vẫn đang tăng lên, dịch lan rộng ra các quận nội thành.

Theo Sở Y tế Hà Nội, số ca sốt xuất huyết mới xuất hiện rải đều tại 29/30 quận huyện, trong đó một số nơi có số ca mắc khá cao như: Phúc Thọ (360 ca), Thường Tín (355 ca), Nam Từ Liêm (319 ca)…

(Ảnh minh họa)
Ảnh minh họa.

Tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp, TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 700 ca mắc sốt xuất huyết trên tổng số hơn 1000 bệnh nhân đến khám. Riêng Khoa Truyền nhiễm là 500 bệnh nhân. BSCKII Nguyễn Tân Trang, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp, theo y văn, sốt xuất huyết thường gặp ở trẻ nhỏ và người trẻ tuổi. Tuy nhiên, những năm gần đây, Khoa Truyền nhiễm, đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều người cao tuổi, thậm chí có bệnh lý nền. Theo BS Trang, ở những trường hợp này, nếu không được thăm khám, điều trị kịp thời, sức khỏe của bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Bệnh sốt xuất huyết diễn biến đa dạng và khó lường, cần được theo dõi, giám sát của nhân viên y tế kể cả điều trị ngoại trú. Vào những mốc quan trọng, người bệnh cần đến bệnh viện thăm khám lại, tránh những biến chứng nguy hiểm như tiểu cầu tụt thấp, phù não, co giật, suy đa tạng. Bởi nếu đến khám khi đã ở giai đoạn muộn, y tế sẽ rất khó can thiệp, dẫn đến tử vong rất cao”- BS Nguyễn Tân Trang cho biết.

Được biết, Hà Nội vẫn còn 47 ổ dịch quy mô thôn/xóm/tổ dân phố đang tồn tại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã đang tiếp tục tăng cường tổ chức khoanh vùng, điều tra, vệ sinh môi trường và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực phát sinh ổ dịch SXH theo quy định để ngăn chặn dịch lan rộng.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, tích luỹ tuần 37 năm 2020, cả nước đã ghi nhận tổng cộng 70.585 ca mắc sốt xuất huyết, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (năm 2019 là 200.426 ca). Trong đó, 57% ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tại miền Nam, 33% tại miền Trung, Tây Nguyên chiếm 6% và miền Bắc là 4%. Đến nay, dịch sốt xuất huyết không có diễn biến bất thường so với các năm trước. Xu hướng gia tăng số ca mắc những tuần gần đây cơ bản giống với các năm trước và giai đoạn trước.

Tuy nhiên, giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 là giai đoạn “nóng” của dịch sốt xuất huyết khi thời tiết vào mùa mưa, khi hậu rất thuận lợi cho muỗi vằn truyền bệnh sinh sôi, phát triển.

“Số mắc sốt xuất huyết có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống”- TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết.

Triển khai phun thuốc phòng, chống sốt xuất huyết.
Triển khai phun thuốc phòng, chống sốt xuất huyết..

Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, mặc dù năm 2020 không phải năm trong chu kỳ dịch SXH, tuy nhiên, chúng ta đã cách chu kỳ dịch trước (năm 2017) là 3 năm nên nguy cơ SXH có khả năng bùng phát. Vì vậy, mọi người dân, tất cả các địa phương phải quan tâm phòng chống ngay từ đầu. Nếu xuất hiện ổ dịch, có người bệnh thì ngay lập tức phải khống chế kịp thời.

Đối với người dân, khi sốt cao liên tục, kéo dài từ 4 – 7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, đau hốc mắt, xuất huyết dưới da và niên mạc, chảy máu cam… thì cần đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc và truyền dịch tại nhà./.

Theo Minh Khánh/VOV.VN