Với những nỗ lực cao nhất từ nay đến cuối năm, đặc biệt là kiểm soát dịch tốt và dần phục hồi được các lĩnh vực kinh tế thì tăng trưởng kinh tế năm nay cao nhất cũng chỉ đạt mức 2,5-3%. Tuy nhiên bước sang năm 2021, nhiều tổ chức và chuyên gia kỳ vọng sẽ có sự phục hồi mạnh quanh mức 7%.
Kỳ vọng cao, nhưng không thể duy ý chí
Một trong những dự báo cao và bất ngờ nhất là của Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings (S&P) đưa ra vào khoảng cuối tháng 9 vừa qua. Theo đó, tổ chức này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể ở mức 11,2% vào năm 2021, trên nền tăng trưởng thấp với dự báo ở mức 1,9% năm 2020. Khối Nghiên cứu kinh tế của Tập đoàn HSBC trong báo cáo tháng 10 cũng đưa ra dự báo tăng trưởng GDP có thể đạt 8,1% trong năm tới, trong khi sẽ chỉ tăng 2,6% năm nay. Rất nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế và trong nước gần đây dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 quanh mức 7%.
Kỳ vọng về sự phục hồi mạnh, tăng trưởng cao – như một số dự báo trên là điều hoàn toàn có thể xảy ra nếu đại dịch về cơ bản được kiểm soát tại nhiều quốc gia trên thế giới và các thị trường toàn cầu cũng phục hồi trở lại.
Tuy nhiên, những biến động lớn, nhanh, phức tạp, khó lường và chưa thể dự báo đầy đủ mà đại dịch Covid-19 gây ra khiến kinh tế toàn cầu suy thoái và có thể rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ sau đại dịch khủng hoảng 1929 – 1933 và trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập, gắn sâu với toàn cầu như hiện nay khiến chúng ta không thể duy ý chí cho rằng, phục hồi mạnh trong năm 2021 của kinh tế Việt Nam là điều mặc nhiên sẽ diễn ra.
Như đã nói ở trên, yếu tố bên ngoài (khả năng phục hồi của kinh tế thế giới) là yếu tố tác động cũng như hỗ trợ rất quan trọng. Nhưng đồng thời, khả năng thích nghi với trạng thái bình thường mới, thực tế tăng trưởng đạt được của năm 2020, khả năng khắc phục những yếu kém, thách thức nội tại… cũng quan trọng không kém để tạo đà cho năm 2021, cũng như là cơ sở khách quan để xây dựng các dự báo và kịch bản tăng trưởng sát đúng nhất cho năm tới.
Nói cách khác, năm 2020 có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2016 – 2020) lần thứ 7 kể từ khi chúng ta bắt đầu quá trình Đổi mới. Trong 4 năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội lần thứ 7, nền kinh tế giữ được nhịp tăng trưởng khá tốt ở mức khoảng 6,8%. Tuy nhiên năm 2020, bùng phát của dịch Covid-19 khiến tăng trưởng sụt giảm mạnh và nhiều khả năng khiến tăng trưởng của cả giai đoạn 2016-2020 sụt tới khoảng 1%, qua đó không đạt mục tiêu đặt ra cho giai đoạn này. Nhìn lại cả chặng đường dài, chúng ta đã có 3 lần liên tiếp mà các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm không đạt mục tiêu đề ra.
Phân tích như vậy để thấy, dù chúng ta chưa chốt kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, nhưng mức tăng trưởng sơ bộ đề xuất ở khoảng 6,5-7% cho giai đoạn 5 năm tới là không dễ dàng, ngay cả khi có những kỳ vọng tăng trưởng sẽ rất cao ngay trong năm đầu thực hiện kế hoạch (2021) như đề cập ở trên. Ý nghĩa của những năm chốt, năm bản lề của mỗi giai đoạn như 2020 và 2021 vì vậy rất quan trọng. Cũng bởi thế, đây là nội dung sẽ được các đại biểu thảo luận kỹ tại Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đang diễn ra tại Hà Nội nhằm đưa ra được kịch bản cũng như các chính sách, giải pháp tốt nhất để thực hiện thành công cho giai đoạn sắp tới, trước mắt là năm 2021.
Dự báo sát đúng và quyết liệt thực hiện
Nhìn lại diễn biến từ đầu năm 2020 cho đến nay, dù rất khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn khá tích cực trong tương quan chung. Trong bài viết đăng trên East Asia Forum ngày 6/10/2020, bà Suiwah Leung – Phó giáo sư Kinh tế Danh dự tại Trường Chính sách Công Crawford, Đại học Quốc gia Úc nhận định, người dân cũng như nền kinh tế Việt Nam là “biểu tượng của sự kiên cường”, bởi không chỉ đối phó thành công với đại dịch Covid-19 mà Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng GDP dương năm 2020 trong khi hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới trải qua suy giảm. Sau khi dẫn chứng về những việc Chính phủ đã làm, bà Suiwah Leung nhận xét Việt Nam đã có những bước đi đúng trong thương mại và đầu tư ngắn hạn cũng như công cuộc ứng phó với đại dịch cho đến nay.
Báo cáo tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV mới đây cũng chỉ ra nhiều điểm sáng: Dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, tạo điều kiện sớm phục hồi kinh tế; Lạm phát dần được kiểm soát theo mục tiêu; chính sách tiền tệ chủ động linh hoạt, góp phần hạ mặt bằng lãi suất hỗ trợ nền kinh tế; tỷ giá cơ bản ổn định, kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô; xuất khẩu khả quan, thặng dư thương mại kỷ lục trong khi khu vực kinh tế trong nước vẫn là điểm sáng; khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sảng tăng trưởng tích cực; Đầu tư công cải thiện tích cực; tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt được kết quả tích cực, hình ảnh và uy tín của Việt Nam được nâng cao…
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra nhiều hạn chế, thách thức, trong đó nổi lên một số vấn đề đáng chú ý như: Tăng trưởng GDP ở mức thấp nhất từ năm 2011 đến nay; thâm hụt NSNN và nợ công dự báo tăng cao hơn dù vẫn trong tầm kiểm soát; hoạt động của DN còn gặp nhiều khó khăn; đầu tư FDI tiếp tục đà chững lại; tín dụng tăng trưởng thấp, rủi ro nợ xấu gia tăng.
Theo Phó giáo sư Suiwah Leung, dù thành công trong các chính sách và giải pháp đối phó với đại dịch và hỗ trợ nền kinh tế trong ngắn hạn nhưng để tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và đảm bảo thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nhu cầu cải cách các yếu tố mang tính nền tảng vẫn rất cần thiết và cần được tiếp tục, trong đó bao gồm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và DNNN, xây dựng các tổ chức công hiệu quả, các thể chế chính sách tốt…
TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ 8 (2021-2025) và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây cũng là năm kinh tế Việt Nam phải vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 để tận dụng những cơ hội mới được tạo ra từ chính đại dịch này.
Vì vậy chuyên gia này cho rằng, trong quý IV/2020 và năm 2021, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế – xã hội, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2020 đạt khoảng 2,5% và 2021 đạt khoảng 6,5-7%, kiểm soát lạm phát dưới 4%. Về giải pháp cụ thể, một mặt cần đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm, đồng thời đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa. Cùng với đó, cần tiếp tục ưu tiên đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công (trên cơ sở đảm bảo chất lượng), coi đây như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2021 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn.
Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ khối kinh tế tư nhân, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư – kinh doanh để vừa tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài. Tiếp tục có chính sách hỗ trợ cụ thể một số ngành, lĩnh vực chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 nhằm ổn định kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và giữ được việc làm, tạo tiền đề cho tăng trưởng các năm sau đó.
Ngoài ra, cần phát huy thế mạnh của các trụ cột, đầu tàu tăng trưởng, có tính lan tỏa cao, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Trong quá trình này, cần đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ và giao dịch điện tử, thanh toán điện tử để vừa giúp tăng năng suất lao động, vừa theo kịp xu thế hiện nay cũng như giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.
Như đã phân tích ở trên, tăng trưởng ở mức 7%, hay thậm chí cao hơn không chỉ là kỳ vọng mà dường như cũng là một mục tiêu “bắt buộc” trong năm tới mặc dù phía trước, tính bất định của dịch Covid còn rất cao. Đây cũng là năm mà kinh tế Việt Nam đã “quen”, đã có nhiều bài học quý nên chắc chắn phải vượt qua những tác động tiếp theo của đại dịch một cách chủ động, để không chỉ hóa giải được các thách thức mà còn tận dụng những cơ hội mới được tạo ra.
Theo Đỗ Lê/Thời báo Ngân hàng