Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết trong tháng 8 tháng, sản lượng xuất khẩu mực, bạch tuộc đã tăng 22%.
Cụ thể, tháng 8 năm nay, trừ thị trường Nhật Bản, sản lượng mực, bạch tuộc của Việt Nam xuất khẩu sang hầu hết thị trường chính đều ghi nhận tăng trưởng như Hàn Quốc, ASEAN, EU, Trung Quốc, Mỹ, Đài Loan, Israel…
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam với nhu cầu ổn định nhất trong 8 tháng đầu năm nay. Trong khi đó, sản lượng mực, bạch tuộc xuất sang EU đã tăng trở lại trong tháng 8 sau khi giảm liên tục từ tháng 3 năm nay.
Tuy vậy, các doanh nghiệp trong ngành cho biết sản lượng xuất khẩu vẫn chịu tác động của dịch Covid-19 nên giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ.
Trong đó, giá trị xuất khẩu bạch tuộc giảm mạnh hơn mực và xuất khẩu bạch tuộc chế biến giảm mạnh nhất 28%. Mực khô/nướng là mặt hàng duy nhất tăng trưởng dương 23%, đạt 79,3 triệu USD. Trong khi mực chế biến và mực sống/tươi/đông lạnh giảm lần lượt 4% và 11% so với cùng kỳ.
Tính trong 8 tháng, thị trường nhập khẩu nhiều mực và bạch tuộc nhất từ Việt Nam là Hàn Quốc với gần 42% tổng giá trị xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đã tăng liên tục trong 3 tháng 6, 7 và 8.
Tính riêng tháng 8, xuất khẩu mặt hàng này sang Hàn Quốc tăng gần 31%, đạt 20,7 triệu USD. Tuy nhiên, do giảm trong các tháng trước đó nên giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc vẫn giảm hơn 6% trong 8 tháng đầu năm, đạt 143,5 triệu USD.
Trong những tháng đầu năm giá bán và nhu cầu tiêu thụ giảm do dịch Covid-19 là một trong những yếu tố khiến sản lượng xuất khẩu mực, bạch tuộc Việt Nam sang Hàn Quốc giảm. Sau quý I, khi dịch Covid-19 tại Hàn Quốc được kiểm soát xuất khẩu mặt hàng này đã tăng trở lại.
Thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn thứ 2 của Việt Nam là Nhật Bản với tỷ trọng 23%, đạt gần 79,5 triệu USD sau 8 tháng. Tuy vậy, giá trị xuất khẩu này vẫn giảm 19% so với cùng kỳ. Trong đó, cũng do dịch bệnh mà giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Nhật Bản đã giảm liên tục từ tháng 5 đến nay.
Theo sau là các thị trường lớn như EU, Trung Quốc… Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế trên toàn thế giới, nguồn cung nguyên liệu sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu mực, bạch tuộc của thế giới và xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam thời gian tới dự kiến vẫn giảm. Số liệu ước tính sẽ giảm khoảng 10% trong năm nay.
Tuy vậy, thị trường EU được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh trong hoạt động nhập khẩu mặt hàng này khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 1/8 đã mang lại ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất mực, bạch tuộc sang EU. Trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, giá trị xuất khẩu mực, bạch tuộc sang EU giảm liên tục từ tháng 3 đến tháng 7. Tuy nhiên, khi Hiệp định nói trên có hiệu lực, sản lượng xuất khẩu tháng 8 đã tăng 10%, đạt 5,8 triệu USD.
Theo Quang Thắng/Zingnews.vn