20.000 tấn đường thô sẽ thuận lợi vào EU mỗi năm nhờ miễn thuế theo EVFTA

EVFTA có hiệu lực, 20.000 tấn đường thô của Việt Nam sẽ được rộng đường vào EU mỗi năm không mất thuế.

Theo Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, ngày 1/8/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực, đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và thực phẩm của Việt Nam vào thị trường EU (Liên minh Châu Âu).

Ảnh minh họa

Theo cam kết, EU dành ưu đãi thuế quan cho đường trắng và sản phẩm chứa đường. Cụ thể, áp dụng hạn ngạch thuế quan với mức là 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa trên 80% đường.

Hàng hóa có xuất xứ được phân loại theo các dòng thuế gồm 1701.13.10; 1701.13.90; 1701.14.10; 1701.91.00; 1701.99.10; 1701.99.90; 1702.30.50; 1702.90.50; 1702.90.71; 1702.90.75; 1702.90.79; 1702.90.95; 1806.10.30 và 1806.10.90 trong Biểu thuế của EU sẽ được miễn thuế trong phạm vi 20 000 tấn/năm dưới dạng đường thô tương ứng

Các qui định về đường và kẹo đường được nêu tại Chương 17 của EVFTA. Hàng có xuất xứ được phân loại theo dòng thuế 1701.14.90 trong Biểu thuế của EU sẽ được miễn thuế trong phạm vi 400 tấn/năm.

Theo đó, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề nghị VSSA thông báo đến các doanh nghiệp thành viên, đồng thời tăng cường phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản và Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại EU để thúc đẩy xuất khẩu đường và sản phẩm chứa đường vào EU.

Về tình hình xuất nhập khẩu đường thô trên thế giới, theo ông Jose Orive – Giám đốc điều hành Tổ chức Đường Quốc tế (ISO), cung đường thô xuất khẩu trên toàn cầu dự báo đạt tổng cộng 36,410 triệu tấn trong năm 2019/20, tăng hơn 4 triệu tấn so với 32,236 triệu tấn năm 2018/19, trong khi cung đường thô trong vụ 2020/21 dự báo đạt 36,245 triệu tấn.

Sự gia tăng mạnh trong cán cân cung đường thô có thể thấy ở một số thị trường: Brazil (+5,675 triệu tấn), Australia (+795.000 tấn) và Ấn Độ (+300.000 tấn); trong khi một số thị trường khác sẽ có nguồn cung giảm, là Thái Lan (-1,879 triệu tấn) và Mexico (-665.000 tấn).

Về triển vọng xuất khẩu ở niên vụ 2020/2021, xuất khẩu của Brazil dự báo tiếp tục tăng lên 23 triệu tấn (+2,2 triệu tấn) trong khi của Thái Lan giảm mạnh xuống còn 1,5 triệu tấn (-2,7 triệu tấn).

Cũng theo ông Jose Orive, nhu cầu nhập khẩu đường thô năm 2019/2020 dự kiến ​​tăng 3,380 triệu tấn. Trong đó, nhu cầu đường của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 1,7 triệu tấn, trong khi của nhiều thị trường khác cũng sẽ tăng, đó là: Ấn Độ, Bangladesh, Saudi Arabia, Nigeria và Algeria. EU, bao gồm cả Anh, cũng dự kiến ​​sẽ tăng khối lượng nhập khẩu.

Về năm 2020/2021, nhu cầu nhập khẩu nhìn chung tương tự như vụ 2019/2020, ngoại trừ Ấn Độ dự báo sẽ giảm nhập khẩu, nhưng không phải vì sản lượng trong nước tăng.

Theo Thu Hà/Vietq.vn