Dù bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, song kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do EVFTA có hiệu lực (từ ngày 1/8/2020), đã tạo cơ hội giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam được cắt giảm thuế cao như: Nông sản, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, da giày, điện tử…
Thống kê của Bộ Công thương cho thấy, sau hơn 1 tháng EVFTA được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU.
Đơn hàng và giá nông sản vào EU đều tăng
Điển hình, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với tháng 7/2020. Trong đó mặt hàng tăng tập trung nhiều vào tôm và mực…
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, EVFTA được thực thi, doanh nghiệp thủy sản đã có thêm lợi thế về thuế suất cũng như thuận lợi hơn về các thủ tục pháp lý liên quan sang EU. Bởi lẽ, EU là thị trường quan trọng với thủy sản và để tận dụng được lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA. Vì vậy, việc số lượng đơn hàng tăng lên trong tháng 8 là dễ hiểu.
Đặc biệt, ông Hòe cũng nhấn mạnh, để xuất khẩu tăng trưởng tốt hơn, mở rộng thị phần tại EU, Việt Nam phải cấp bách gỡ thẻ vàng IUU nhằm mở cánh cửa vào EU cho rất nhiều doanh nghiệp hiện chưa thể xuất khẩu vào thị trường này…
“Cần lưu ý, hiện EU đã cấm sử dụng chất chống ô xy hóa để bảo quản sản phẩm thức ăn thủy sản. Đối với một số sản phẩm có nguồn gốc sinh vật gây bệnh nhất định, EU không cho phép nhập khẩu nhằm tránh việc nhiễm và lây lan sâu bệnh hại cho thực vật và sản phẩm thực vật. Điều kiện này đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc với sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ phía cơ quan chức năng”, ông Hòe lưu ý.
Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan, như giá gạo xuất khẩu vào thị trường EU trong tháng 8 đã tăng phổ biến từ 80 – 200 USD/tấn tùy loại, so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Đơn cử, tại Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An đã có lô hàng 3.000 tấn đầu tiên được ký kết với đối tác nhập khẩu Đức sau khi EVFTA có hiệu lực, với hai chủng loại gạo ST20 và Jasmine. Do được hưởng thuế suất bằng 0% nên giá xuất khẩu của hai mặt hàng này cao hơn nhiều so với thời điểm trước. Cụ thể, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn; trong khi thời điểm trước đó gạo ST20 chỉ có giá 800 USD/tấn còn Jasmine là 520 USD/tấn.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, toàn bộ lô hàng này có thuế suất 0% thay vì 4-45% tùy loại như trước đây.
“Trong đợt giao hàng đầu tiên, có 6 container tương đương 150 tấn gạo, trong đó gạo ST20 có giá 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine giá trên 600 USD/tấn. Doanh nghiệp này cũng đã có hợp đồng xuất khẩu gạo với 3 khách hàng ở Đức với sản lượng lên đến 3.000 tấn”, ông Bình chia sẻ.
Tiếp đó là mặt hàng cà phê cũng được nhận định có thể gia tăng giá trị vào thị trường EU trong thời gian tới khi được giảm thuế suất từ 15% xuống 0%. Theo đó, trong số 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam được EU cam kết bảo hộ khi EVFTA chính thức đi vào thực thi, có cà phê Buôn Ma Thuột. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam với các đối thủ tại thị trường EU.
Ngoài mặt hàng thủy sản, gạo, cà phê thì rau, quả tươi Việt cũng được đánh giá đã và đang rộng cửa vào EU kể từ ngày 1/8 vừa qua.
Tận dụng lợi thế của EVFTA, hàng Việt cần gì?
Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, gạo Việt có rất nhiều tín hiệu tốt và đứng trước cơ hội tăng trưởng sản lượng và giá trị lớn.
“Trước đây, có những lô hàng gạo mà nhà nhập khẩu của chúng tôi phải đóng thuế đến 300 EUR/tấn, nhưng thuế này không còn nên giá tốt hơn rất nhiều, nâng cao tính cạnh tranh của gạo Việt với gạo Campuchia, Thái Lan… Ngoài ra, chất lượng gạo của VN thời gian qua cũng cải thiện đáng kể nhờ thay đổi quy trình canh tác tiến bộ. Giá trị gạo Việt được người châu Âu chấp nhận và tin dùng”, ông Bình cho biết.
Cũng theo ông Bình, kể từ ngày 1/8/2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ đã mang lại cơ hội xuất nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hàng rào kỹ thuật để có thể đưa nông sản và các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam vào thị trường khó tính bậc nhất này.
Với kinh nghiệm xuất khẩu các mặt hàng bột rau sấy lạnh (như bột rau má, bột tía tô, lá diếp, lá sen…) sang thị trường EU trong 4 năm qua, bà Nguyễn Ngọc Hương, giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt, cho rằng nếu muốn đưa hàng qua thị trường EU, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị kỹ giấy tờ, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng để có thể cung cấp ngay khi khách hàng yêu cầu.
Ngoài việc kiểm soát chất lượng tốt và ổn định, các doanh nghiệp phải luôn trong tâm thế sẵn sàng tăng quy mô sản xuất nếu có đơn hàng lớn.
“Khách hàng châu Âu thường mua số lượng ít ban đầu, thấy tốt mới nhập nhiều. Nếu mình có năng lực tăng quy mô sản lượng, đối tác sẽ đánh giá cao và có thể làm ăn lâu dài”, bà Hương chia sẻ.
Ở góc độ quản lý, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) chia sẻ, đa số các mặt hàng xuất khẩu sang EU hiện vẫn chưa đứng trên kệ hàng tại thị trường này bằng chính thương hiệu của mình. Ví như sản phẩm gạo, đa số nhà nhập khẩu châu Âu chỉ đặt hàng các doanh nghiệp nước ta xay xát, khi sang đến các thị trường này thì lại mang thương hiệu của họ. Thực tế đó đặt ra bài toán hóc búa: Làm thế nào để thoát khỏi “phận” gia công để thực sự tận dụng hiệu quả cơ hội từ EVFTA?
“Để giải nan đề này, cần sự thay đổi tư duy của doanh nghiệp cùng với nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu. Doanh nghiệp cần tập trung chú trọng vấn đề chất lượng chứ không nên chạy theo số lượng. Đồng thời, chúng ta cũng cần có quy chuẩn về chất lượng và thương hiệu theo đúng chuẩn quốc tế, bởi chỉ có như vậy hàng Việt mới có thể tiến sâu vào thị trường EU, mở rộng thị phần và xuất khẩu bền vững”, ông Khanh nói.
Ngoài ra, ông Khánh cũng cho rằng, cần có giải pháp chiến lược để nâng cao chất lượng hàng hóa cũng như thay đổi tư duy về phương thức xuất khẩu. Sau đó, khi có sản phẩm chất lượng để đạt giá trị xuất khẩu cao thì các nhà xuất khẩu phải đồng lòng, đoàn kết cùng nhau đàm phán giá bán tương xứng với giá trị, chất lượng sản phẩm…
Theo Bá Lâm/Chất lượng&cuộc sống