Truy xuất nguồn gốc nông sản – tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng

Việc ứng dụng mã số mã vạch để truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm nói chung, nông sản nói riêng chính là giải pháp giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác.

Gian lận thương mại ngày càng tinh vi

Thời gian qua, tình trạng gian lận thương mại, lập lờ xuất xứ sản phẩm nông sản của không ít doanh nghiệp đã gây bức xúc trong dư luận. Điều đó không chỉ làm suy yếu năng lực cạnh tranh của chính các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng các nguyên tắc vận hành của nền kinh tế.

Ông Lê Thanh Hòa – Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, có 2 hình thức chính đối với tình trạng gian lận, lập lờ xuất xứ, cụ thể như sau: Đầu tiên là tình trạng gian lận xuất xứ nguồn gốc đối với các sản phẩm nông sản mà Việt Nam nhập khẩu. Có tình trạng doanh nghiệp trục lợi bằng cách làm sai nguồn gốc xuất xứ để tăng giá trị sản phẩm. Ví dụ trước đây chúng ta phát hiện tình trạng táo nhập khẩu từ Trung Quốc vào nhưng lại ghi xuất xứ từ New Zealand. Do vậy giá bán sẽ bị đẩy lên rất cao, người tiêu dùng bị đánh lừa.

Một vấn đề nữa là gian lận xuất xứ của nước thứ ba qua Việt Nam và xuất khẩu qua nước khác. Ví dụ như việc một số công ty Trung Quốc dùng chiêu thức trá hình như nhờ người Việt đứng tên hoặc công khai đăng ký tại Việt Nam để nhập hàng hóa vào Việt Nam “gia công, sản xuất” nhưng thực chất chỉ thay đổi chút ít về nhãn mác, ghi thêm “Made in Việt Nam” rồi lấy C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) Việt Nam để xuất khẩu – tái xuất nhằm hưởng thuế thấp ưu đãi cho Việt Nam tại nước nhập khẩu.

Hoặc có trường hợp sản phẩm mật ong của Mỹ nhưng lại lấy CO của Việt Nam để xuất sang nước khác. “Với tình trạng này tôi nghĩ Việt Nam cũng các nước khác nên có những biện pháp thắt chặt quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, tránh tình trạng gian lận thương mại diễn ra nhiều, ảnh hưởng tới người tiêu dùng”, ông Hòa nêu quan điểm.

Giải pháp đến từ truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc giúp minh bạch thông tin về sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Ảnh minh họa.

Trước tình hình trên, việc ứng dụng mã số mã vạch để truy xuất nguồn gốc hàng hóa sản phẩm nói chung, nông sản nói riêng chính là giải pháp giúp người tiêu dùng và các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác.

Ông Hòa cho biết, truy xuất nguồn gốc không chỉ có ý nghĩa truy lại nơi sản xuất ra sản phẩm mà ở đây tất cả những hồ sơ liên quan đến quá trình sản xuất các sản phẩm đó. Đối với từng lô sản phẩm đều phải yêu cầu truy xuất được để khi mà xảy ra vấn đề mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì có thể truy ngược lại xem sản phẩm đó được sản xuất vào ngày nào, từ nguồn nguyên liệu mua của trang trại nào. Và từ đó để có hướng dẫn, khắc phục những vấn đề đó trong tương lai.

Dưới góc độ của doanh nghiệp đã ứng dụng mã số mã vạch truy xuất nguồn gốc, ông Võ Việt Dũng – Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội cho biết, nếu doanh nghiệp quyết tâm minh bạch hóa sản phẩm, thì khó khăn không quá lớn. Vì đầu tư truy xuất nguồn gốc không quá lớn như hạ tầng khác, thậm chí các cơ quan Nhà nước còn đầu tư phí cho truy xuất nguồn gốc mà không mất tiền.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng chỉ ra, những sản phẩm được gắn mã QR code thực sự chưa phải nhiều. Không phải tất cả người dân đều biết đến mã QR code, chỉ một nhóm ở thành phố mới biết. Do đó, nhiều người dân ở nông thôn cũng không tiếp cận được thông tin này và đây là cơ sở để các sản phẩm không rõ nguồn gốc, tem giả, mác giả… được tuồn ra thị trường. Do đó, cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để người dân thực sự hiểu về truy xuất nguồn gốc.

Rõ ràng, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc chính là “giấy thông hành” giúp nông sản Việt thâm nhập vào các thị trường khó tính trên thế giới, tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao vị thế của hàng hóa Việt Nam.

Theo Thanh Tùng/VietQ.vn