EVFTA tạo ra ‘dòng chảy’ gia tăng hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU

Việc giảm thuế sẽ dẫn đến một dòng chảy gia tăng hàng hóa của Việt Nam như: Cà phê, hải sản, máy móc, linh kiện, giày dép, dệt may đến 27 quốc gia thành viên.

Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8 vừa qua được kỳ vọng sẽ là cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh. Hiện nay, cơ cấu hàng hóa của Việt Nam và EU mang tính bổ sung cao, tương hỗ lẫn nhau nên ít có cạnh tranh trực tiếp, ở chiều ngược lại, sẽ tạo ra những ngành hàng Việt Nam có lợi thế và là cơ hội vàng cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dự báo tiếp tục có những ảnh hưởng khó lường đến nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.

Các quy định của Hiệp định EVFTA cho thấy, có đến 70% mặt hàng được giảm thuế và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,7% số dòng thuế. Đây là lợi thế lớn dành cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Theo tính toán từ Bộ Công Thương, EVFTA dự kiến giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với thời điểm chưa có Hiệp định. Xét về tổng thể, EVFTA sẽ góp phần giúp đa dạng hóa thị trường để không bị phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường nhất định, từ đó giúp bảo đảm an ninh kinh tế của Việt Nam.

Theo TS. Đinh Việt Hòa – Chủ tịch Hiệp hội khởi nghiệp quốc gia, EU là thị trường có quy mô nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 trên thế giới với tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD mỗi năm. EVFTA được thực thi giúp Việt Nam có thêm lợi thế để nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, trong đó có nông sản thủy sản và các ngành hàng nông nghiệp.

“Việc giảm thuế sẽ dẫn đến một dòng chảy gia tăng hàng hóa của Việt Nam như: Cà phê, hải sản, máy móc, linh kiện, giày dép, dệt may đến 27 quốc gia thành viên. Nếu việc triển khai diễn ra suôn sẻ thì Việt Nam không chỉ có cơ hội tiếp cận tốt hơn hàng hóa dịch vụ châu Âu mà còn hưởng lợi từ tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu. Ngoài ra, Hiệp định còn thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – EU lên tầm cao mới, góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế cả hai bên sau những tác động sâu sắc từ đại dịch Covid-19”, TS. Đinh Việt Hòa nhấn mạnh.

EVFTA còn góp phần phục hồi tăng trưởng kinh tế cả hai bên sau những tác động sâu sắc từ đại dịch Covid-19. Ảnh minh họa.

Với các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, thủy sản, đây thực sự là cú hích lớn, giúp các doanh nghiệp có cơ hội bước chân vào một thị trường đầy tiềm năng. Cụ thể, với ngành hàng dệt may, EU hiện là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất với quy mô nhập khẩu hàng năm hơn 250 tỷ USD, chiếm 34% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may thế giới. Trong khi đó, thị phần xuất khẩu của dệt may Việt Nam sang thị trường này mới chỉ chiếm khoảng 2,7%. Điều này cho thấy, dư địa để ngành dệt may gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU sau khi EVFTA có hiệu lực là rất lớn.

Với ngành hàng da giày, khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế 0% được áp dụng cho khoảng 50 loại sản phẩm giày dép sản xuất tại Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu. Bên cạnh đó, các sản phẩm giày, dép của Việt Nam còn được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5 – 4,2% khi xuất khẩu vào EU, tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho mặt hàng này.

Với lĩnh vực thủy sản, Hiệp định EVFTA tạo ra cơ hội, thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản, trước mắt là vấn đề thuế quan. Bên cạnh những mặt hàng chế biến vẫn phải chịu thuế suất từ 3-5%, thì các mặt hàng như: mực, bạch tuộc, tôm, cá tra đều có những dòng hàng có lợi thế mà thuế xuất giảm về mức 0% ngay. Theo đó, xóa bỏ ngay 50% dòng thuế – trừ các ngừ đóng hộp và cá viên; 50% còn lại có lộ trình cắt giảm từ 3-5 năm. Với cá da trơn, mức thuế giảm từ 6,8% hiện nay về 0% vào năm thứ 3…

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, thực tế trước đó đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh có bài bản có mặt tại thị trường EU. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, chưa khai thác hiệu quả tài sản sở hữu trí tuệ, thương hiệu… thiếu nhân lực có ngoại ngữ và kỹ năng đàm phán xúc tiến thương mại chuyên nghiệp, để thực hiện hoạt động xuất khẩu vào thị trường này.

Vì vậy, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay và thường xuyên là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào thị trường EU…

Theo Thanh Tùng/VietQ.vn