Giá lợn hơi đã giảm xuống dưới 80.000 đồng một kg. Giá lợn thịt tại các chợ dân sinh cũng giảm, dao động quanh mức 150.000 đồng một kg. Đây là mức giá thấp nhất kể từ 5 tháng qua.
Thị trường lợn hơi những ngày đầu tháng 9 đã ghi nhận mức giảm giá rõ rệt. Không còn địa phương nào có mức giá cao trên 80.000 đồng một kg. Hiện tại, giá lợn hơi đang dao động quanh ngưỡng 75.000 đồng một kg.
Cụ thể tại miền Bắc, Hà Nội và Phú Thọ cùng giảm 1.000 đồng/kg về mốc 74.000 đồng/kg, thấp nhất cả nước; Hưng Yên và Vĩnh Phúc cùng giảm 2.000 đồng/kg về mốc 76.000 đồng/kg. Tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam và Nam Định không giảm, giữ ở mức 78.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại một số tỉnh miền Trung chủ yếu đi ngang, một số tỉnh giảm 1.000-2.000 đồng/kg, đưa mức giao dịch trở lại quanh ngưỡng 75.000- 79.000 đồng/kg. Tại Thanh Hóa, giá lợn hơi là 75.000 đồng/kg; tại Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Quảng Nam là 79.000 đồng/kg.
Trong khi đó, giá lợn hơi miền Nam giảm 1.000-3.000 đồng/kg. Cụ thể, An Giang, Tiền Giang giảm 1.000 đồng/kg cùng về mốc 79.000 đồng/kg; Bình Thuận giảm 2.000 đồng/kg, Bến Tre giảm 1.000 đồng/kg về cùng mốc 78.000 đồng/kg. Riêng Bạc Liêu giảm 3.000 đồng/kg về mốc 75.000 đồng/kg, còn lại giá thu mua toàn miền dao động 78.000-80.000 đồng/kg.
Giá lợn thịt tại các chợ dân sinh ở Hà Nội cũng giảm xuống quanh mức 150.000 đồng một kg. Tại các siêu thị, tuy giá lợn thịt vẫn ở mức cao nhưng song song với lợn chăn nuôi tại Việt Nam, các siêu thị cũng bán lợn nhập khẩu với mức giá bình ổn để đa dạng sự lựa chọn người tiêu dùng.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phùng Đức Tiến cho biết, từ tháng 5 đến tháng 9/2019 khi dịch lên cao ngành chăn nuôi phải liên tục tiêu hủy lợn với số lượng rất lớn. Trong thời gian này hầu như không cơ sở, doanh nghiệp nào dám cho phối giống. Đến khoảng tháng 9-10/2019 mới bắt đầu khởi động lại việc này và đến đầu năm 2020 mới có lợn giống. Cũng phải mất 6 tháng sau khi có lợn giống thì thị trường mới có sản phẩm từ việc tăng đàn này. Cho nên ông Tiến dự kiến, cuối năm nay “cung – cầu” về thịt lợn mới có thể cân bằng.
Ông Tiến cũng cho biết, dịch bệnh hiện chỉ còn lại ở một số địa phương nhỏ lẻ, trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thường xuyên có văn bản nhắc nhở các địa phương làm tốt công tác an toàn sinh học.
Trong những tháng qua, ngành chăn nuôi đã thực hiện nhiều biện pháp rất quyết liệt với dịch tả lợn châu Phi, đây là cơ sở quan trọng cho việc tăng đàn, tái đàn. Trong quá trình chống dịch, Bộ NN&PTNT đã có những tổng kết và nhân rộng các mô hình về an toàn sinh học.
Thực tế hiện nay đối với các trang trại quy mô lớn, dịch bệnh sẽ rất khó xảy ra vì quy trình làm rất nghiêm ngặt. Đơn cử như việc công nhân làm tại các trang trại thậm chí 5-6 tháng mới về nhà, khi quay trở lại trại cũng cách ly, theo dõi sức khỏe mấy ngày sau mới vào làm việc lại…
Còn tại những gia trại, trang trại nhỏ lẻ, ngành chăn nuôi cũng tìm ra những mô hình phù hợp như thực hiện kiểm soát sản xuất thịt lợn an toàn bằng hệ thống chăn nuôi khép kín theo mô hình 4F (Farm-Food-Feed-Ferlitizer).
Thứ trưởng Tiến cũng thông tin, tình hình tái đàn ở các địa phương hiện nay đã có nhiều bước tiến trong đảm bảo dịch bệnh. Tuy rằng Việt Nam chưa sản xuất được vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi nhưng cũng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận để khống chế dịch như việc nghiên cứu ra bộ kit phát hiện sớm bệnh, đặc điểm dịch tễ virus, tiếp tục có các tiến triển trong nghiên cứu vaccine, xử lý môi trường để cắt đứt nguồn lây; nghiên cứu các dòng lợn có sức miễn kháng…
Theo Phương Nam/VietQ.vn