Nông sản tắc đầu ra do Covid-19

 

Những ngày gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của bà con nông dân trong khu vực sản xuất ra đang dồn ứ ngày càng nhiều, do không tiêu thụ được trên thị trường. Điều này, khiến cho đời sống của nhiều hộ gia đình đã khó khăn lại càng thêm điêu đứng trong lúc dịch bệnh hoành hành.

Lao đao giữa tâm dịch

Dịch Covid-19 lần thứ hai bùng phát trở lại ở khu vực miền Trung, đã khiến cuộc sống của nhiều gia đình gặp không ít khó khăn. Trong đó, có các hộ nông dân ở nơi tâm dịch Quảng Nam hay TP. Đà Nẵng, ngoài việc căng mình phòng, chống Covid-19 để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, họ còn phải chật vật tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của mình. Những nông sản, vốn đã rất bấp bênh trong khâu tiêu thụ nay lại càng khó khăn hơn giữa cơn “bão dịch”.

Việc đưa sản phẩm nông sản vào siêu thị luôn gặp khó khăn.

Những ngày gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của bà con nông dân trong khu vực sản xuất ra đang dồn ứ ngày càng nhiều, do không tiêu thụ được trên thị trường. Điều này, khiến cho đời sống của nhiều hộ gia đình đã khó khăn lại càng thêm điêu đứng trong lúc dịch bệnh hoành hành. Tại TP. Đà Nẵng, huyện Hòa Vang là nơi sản xuất nhiều mặt hàng nông sản phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Thế nhưng, vào thời điểm này do nông sản không tiêu thụ được, đã gây nhiều thiệt hại cho bà con. Trong đó, phần lớn là các sản phẩm khó bảo quản lâu ngày như dưa lưới, dưa hấu, rau xanh…

Đơn cử, tại vườn hữu cơ An Việt của anh Nguyễn Thế Cường, ở xã Hòa Ninh, sản phẩm dưa lưới của trang trại thu hoạch đúng thời điểm cách ly xã hội, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Vườn dưa của anh Cường hiện đang ùn ứ khoảng 3,5 tấn dưa lưới, thiệt hại ước hơn 150 triệu đồng. Trên thực tế, dù giá dưa đã giảm xuống chỉ còn một nửa so với trước kia, nhưng thời gian gần đây TP. Đà Nẵng đang triển khai việc cách ly, phòng chống dịch nên việc tiêu thụ trên thị trường vẫn rất khó khăn. Việc tiêu thụ nông sản khác như, rau, củ, quả… của bà con nông dân ở địa phương cũng đang gặp cảnh tương tự.

Tại địa phương lân cận là Quảng Nam, theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh này, hiện trên địa bàn có 285 HTX nông nghiệp. Phần lớn, các sản phẩm nông nghiệp của các HTX được tiêu thụ trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các khu vực lân cận. Song, thời gian này đang tiến hành cách ly, giãn cách xã hội nên việc tiêu thụ nông sản gần như đang bị ách tắc. Trong đó, tại vựa rau quả Bàu Tròn, nằm trên địa bàn huyện Đại Lộc, nơi hàng ngày cung cấp một lượng lớn nông sản cho các chợ trên địa bàn TP. Đà Nẵng, thời gian gần đây dường như “đứng hình”. Dù nhiều ruộng rau xanh, đu đủ, mướp, bí đao, đậu bắp… đã đến kỳ thu hoạch nhưng việc mua bán vẫn rất đìu hiu. Theo bà Nguyễn Thị Tý, một tiểu thương chuyên kinh doanh mặt hàng rau xanh ở địa phương, trước đây mỗi ngày có đến 4 – 5 chuyến xe vận chuyển các sản phẩm như rau xanh, dưa hấu, đu đủ, mướp… từ Bàu Tròn đi các chợ ở Đà Nẵng. Song, những ngày gần đây do cách ly xã hội nên mọi việc buôn bán đang ngưng trệ, chưa biết đến bao giờ mới thông suốt trở lại… Nông sản sản xuất ra, nhưng tiêu thụ không được đang khiến nhiều người nông dân ở xứ Quảng đang đứng ngồi không yên, chỉ biết cầu mong dịch Covid-19 sớm qua mau.

Tìm cách vượt “bão Covid-19”

Trong khi đó, tại Thừa Thiên-Huế, mặc dù không phải là tâm dịch Covid-19, song do thị trường tiêu thụ nông sản của bà con phần nhiều là Đà Nẵng, nơi đang tiến hành cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nên việc tiêu thụ sản phẩm của hộ nông dân cũng đang gặp khó. Mới đây, trên trang mạng xã hội facebook đã đăng thông tin kêu gọi “giải cứu”… vịt chạy đồng cho người dân chăn nuôi trên địa bàn.

Theo đó, trang facebook trên đã đăng nội dung: Giữa mùa đại dịch Covid-19, hàng chục vạn con vịt của hội viên ở huyện Phong Điền, trong đó, riêng hội viên Hoàng Thị Liên (xã Phong Hiền) đang có 6.000 con vịt thịt đã đến thời kỳ “xuất chuồng” nhưng thương lái, người buôn tại Đà Nẵng không nhập do địa phương này bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh Covid-19. Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, hiện UBND huyện Phong Điền, Hội Nông dân tỉnh và Hội Nông dân huyện Phong Điền cùng vào cuộc để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng, xong hiện tại cũng đang rất khó khăn…

Có thể nói, do ảnh hưởng bởi hai đợt dịch bệnh Covid-19 liên tiếp, từ đầu năm 2020 đến nay, nên việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân ở khu vực miền Trung, đặc biệt tại Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Đà Nẵng đang gặp rất nhiều khó khăn, khiến lượng hàng của bà con còn tồn đọng nhiều. Tại các trường học, bếp ăn tập thể, công ty, nhà hàng, khách sạn… nhiều nơi đã tạm dừng đóng cửa, nên lượng tiêu thụ nông sản trên thị trường rất ít. Để tiêu thụ được số nông sản làm ra, giải pháp tạm thời là bà con trực tiếp đưa ra các chợ dân sinh ngay tại địa phương để bán. Song, mức tiêu thụ cũng không khả quan, do nguồn cung luôn lớn hơn cầu. Chưa kể, sức mua tại các chợ cũng ít hơn thời điểm trước khi có Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội. Trong khi đó, việc đưa được số nông sản của bà con địa phương vào các siêu thị luôn là điều khó khăn từ nhiều phía, kể cả thời điểm dịch bệnh chưa xảy ra.

Để hỗ trợ việc tiêu thụ nông sản cho bà con bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong thời điểm này theo nhiều người rất cần sự linh hoạt cũng như hỗ trợ tích cực của các cơ quan chức năng. Trước mắt, là việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản. Ngay sau đó là hỗ trợ để bà con duy trì sản xuất, kinh doanh, khắc phục hậu quả của đại dịch. Theo ông Nguyễn Đình Ca – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, trước những khó khăn của bà con nông dân trên địa bàn, các cơ quan chức năng sẽ gấp rút hỗ trợ, tìm đầu mối giúp bà con tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, với tinh thần chia sẻ khó khăn của người dân giữa vùng tâm dịch, nhiều tấm lòng mạnh thường quân, cùng người dân cũng đang chung tay hỗ trợ giải cứu một lượng lớn nông sản đang tồn đọng. Đặc biệt, tích cực hơn với những diễn biến khả quan về đại dịch Covid-19 tại Quảng Nam hay Đà Nẵng trong những ngày gần đây, bà con nông dân ở khu vực đang mong chờ đến khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, giá cả và đầu ra của nông sản có thể được trở lại như trước kia, để họ tiếp tục yên tâm đầu tư và tái sản xuất.

Theo Nghi Lộc/Thời báo Ngân hàng