Hàng loạt tuyến vận tải khách, du lịch và hàng hóa đường thủy đang và chuẩn bị triển khai, hứa hẹn giao thông thủy ở TP HCM sẽ bứt phá
Ông Nguyễn Quốc Chánh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh, chủ đầu tư tuyến phà biển Cần Giờ – Vũng Tàu cho biết tính đến nay, bến phà tại đầu TP HCM đạt 90% khối lượng công trình còn phía Vũng Tàu chậm hơn một chút, khả năng đầu tháng 11, các bến phà sẽ đưa vào hoạt động.
Phà biển, buýt sông về đích trước
Theo ông Nguyễn Quốc Chánh, đây là tuyến phà biển kết nối TP HCM với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mỗi phà có sức chứa khoảng 300 người, 20 ôtô và 100 xe máy, thời gian dự kiến 1 giờ/chuyến, với thời gian hành trình chỉ 30 phút. “Quy hoạch giao thông thủy của TP HCM cho thấy định hướng phát triển vận tải thủy để san sẻ với đường bộ là tất yếu, chưa kể giúp khai thác tiềm năng sông rạch, do đó chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư hơn 300 tỉ đồng để phát triển tuyến phà biển này” – ông Nguyễn Quốc Chánh cho biết.
Theo kế hoạch, trước mắt Công ty TNHH MTV Quốc Chánh sẽ đưa 2 phà nhỏ vào hoạt động với tần suất 1 chuyến/giờ, về giá vé đang được tính toán sao cho hợp lý với đa số người dân. “Tuyến phà này không chỉ kết nối giữa TP HCM với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu mà còn kết nối hành khách từ các tỉnh miền Tây thông qua phà Cần Giờ – Cần Giuộc đến Vũng Tàu, giảm áp lực cho giao thông bộ trên các tuyến hành lang của TP HCM như Quốc lộ 1, đại lộ Võ Văn Kiệt… Nếu tuyến phà biển hoạt động tốt, trong thời gian tới TP HCM kêu gọi đầu tư các tuyến khác, chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia” – giám đốc Công ty TNHH MTV Quốc Chánh khẳng định..
Sau tuyến phà biển, tuyến buýt đường sông số 2 (Bạch Đằng – Lò Gốm) đang bắt đầu chạy nước rút để về đích, khi điểm nghẽn bị tạo bởi thi công dự án ngăn triều chuẩn bị khai thông. Ông Nguyễn Kim Toản – Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, chủ đầu tư 2 tuyến buýt sông – cho biết 5 tàu buýt đã sẵn sàng cho tuyến buýt số 2. “Ngoài việc vướng dự án chống ngập do triều sắp được khai thông, nếu TP có quyết định giao đất tại 5 vị trí bến bãi phục vụ dọc tuyến thì chúng tôi sẽ về đích trong năm 2021” – ông Nguyễn Kim Toản cho hay.
Vận tải thủy sẽ phủ kín
Nhìn những con tàu cỡ lớn qua lại tấp nập dưới dạ cầu Bình Lợi mới, ông Nguyễn Văn Cảnh (ngụ quận Bình Thạnh) nói so với trước đây, giao thông thủy qua lại khu vực cầu Bình Lợi nhộn nhịp hơn 3 – 4 lần. “Hồi trước, cầu thấp nên chỉ ca nô, tàu nhỏ qua lại nhưng nay cầu mới cao, tàu du lịch cỡ lớn, tàu chở hàng lướt băng băng” – ông Cảnh nhận xét và cho rằng cơ hội để các loại hình vận tải thủy bung mở trên sông Sài Gòn đã đến.
Ông Hà Thanh Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải thủy thuộc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP nói cầu Bình Lợi cũ tháo dỡ, nâng độ tĩnh không thông thuyền từ 1,5 m lên 7 m giúp mở nút thắt giao thông quan trọng tại khu vực này. Bên cạnh đó, cảng An Sơn (tỉnh Bình Dương) đưa vào khai thác đẩy khối lượng hàng hóa vận tải thủy tăng vọt, chưa kể chi phí vận chuyển giảm từ 30% – 60% so với vận tải đường bộ. “Nhiều lượt tàu container 2.000 tấn, tàu du lịch sức chở lớn 200 khách lưu thông dễ dàng trên sông Sài Gòn, không chỉ góp phần phát triển du lịch sông nước mà giúp kết nối vận tải hàng hóa từ các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh về các cảng hạ lưu như Cát Lái, Cái Mép – Thị Vải” – ông Hà Thanh Sơn thông tin.
Ông Sơn cho rằng điển hình cho sự kiện dỡ cầu Bình Lợi cũ tạo sự thông thoáng trên sông sài Gòn là tuyến tàu cao tốc quận 1 – Bình Dương – Củ Chi của Công ty TNHH Công nghệ xanh DP vừa đưa vào khai thác. Thực tế, đây không phải là tuyến vận tải thủy mới bởi nhiều năm trước đã có đơn vị du lịch khai thác nhưng do độ tĩnh không cầu Bình Lợi cũ thấp, chỉ có ca nô sức chứa dưới 10 người qua được khiến giá vé cao nên không thu hút khách. Lần này, tàu lớn được đưa vào vận hành, mỗi lần chở được 150-200 người thì giá vé giảm 2- 2,5 lần, khuyến khích hành khách bước lên tàu.
Lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cũng bày tỏ niềm vui khi trong 2 năm tới có đến hơn 10 tuyến vận tải thủy được triển khai. Đó là tuyến vận tải hành khách TP HCM – Côn Đảo (cự ly 260 km), tuyến vận tải hành khách bằng phà kết nối huyện Cần Giờ (TP HCM) – huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang) cự ly 12 km. Riêng các tuyến du lịch giai đoạn này sẽ phát triển các tuyến từ Bến Bạch Đằng đi Phú Mỹ Hưng và tuyến kênh Tàu Hũ – Lò Gốm, cự ly dưới 10 km. Còn lại là các tuyến có cự ly dài từ 10 – 60 km như tuyến sông Sài Gòn – Vàm Thuật; sông Sài Gòn – kênh Tẻ – rạch Ông Lớn – rạch Đĩa – sông Mương Chuối – sông Soài Rạp; tuyến sông Sài Gòn – kênh Tẻ – kênh Đôi – sông Chợ Đệm – Bến Lức…
Triển khai 123 dự án với tổng vốn 41.574 tỉ đồng
Theo Sở GTVT TP HCM, trong tương lai, mạng lưới giao thông thủy sẽ trải đều khắp TP mà không tập trung khu vực nội đô hoặc phát triển manh mún như hiện nay. Bởi theo đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông TP HCM, giai đoạn 2020 – 2030, TP dự kiến triển khai 123 dự án trong lĩnh vực giao thông đường thủy với tổng vốn đầu tư 41.574 tỉ đồng. Trong đó giai đoạn 2020-2025, TP dồn lực thực hiện với tổng nguồn vốn 37.828 tỉ đồng.
Không chỉ đầu tư 5 dự án cảng đường thủy nội địa phục vụ phát triển trung tâm logistics, 20 bến thủy nội địa, 51 dự án bảo đảm tĩnh không các cầu trên các tuyến thủy nội địa, TP còn đầu tư các tuyến liên kết nội thành vùng ven, liên kết đến các cảng và các tuyến khách liên tỉnh (TP HCM đi Hà Tiên, Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa, Biên Hòa..).
Theo THU HỒNG/Báo Người lao động