Giúp các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa, nông dân khu vực châu Á Thái Bình Dương ứng phó vượt đại dịch Covid- 19, đến nay đã có hơn nửa tỷ USD từ các định chế tài chính quốc tế hỗ trợ vốn cho hàng ngàn DN vượt qua khủng hoảng dịch bệnh.
Hàng ngàn DN được hỗ trợ vốn vượt đại dịch
Đại dịch vẫn đang tiếp tục gây ra những cơn sóng chấn động đối với nền kinh tế toàn cầu. Tính đến nay Công ty Tài chính quốc tế IFC thuộc nhóm thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) đã hỗ trợ hàng ngàn DN trong khu vực với trên 190 ngàn lao động trong các ngành sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ và năng lượng với tổng giá trị tài trợ ứng phó Covid- 19 đạt 554 triệu USD khi kết thúc năm tài chính ngày 30/6/2020. Ngoài ra, IFC cũng cung cấp tổng hạn mức tài trợ thương mại ứng phó dịch bệnh đạt 492 triệu USD cho các ngân hàng đối tác trong khu vực. Nguồn vốn này được hỗ trợ ngay cho các DN thực hiện các giao dịch thương mại, xuất khẩu, tìm nguồn cung ứng mới… ứng phó nhanh với những khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch bệnh.
Cũng tính đến nay có khoảng 17.500 DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các công ty trong khu vực là đối tượng hưởng lợi của Chương trình Các giải pháp vốn lưu động (WCS) trị giá 2 tỷ USD của IFC trong năm tài chính 2020. Mục đích của chương trình là hỗ trợ các ngân hàng tại các thị trường mới nổi cung cấp tín dụng để các DN nhỏ có thể tiếp tục hoạt động và duy trì việc làm cho người lao động.
Ông Alfonso Garcia Mora – Phó Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IFC – cho biết – những tác động kinh tế và xã hội của đại dịch sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho người dân và các DN, để lại hậu quả dai dẳng đối với các nền kinh tế trong khu vực. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đang đẩy mạnh nỗ lực hỗ trợ các DN cũng như khu vực tài chính để các DN có thể tăng cường năng lực chống chịu trên con đường phục hồi hậu khủng hoảng. Phục hồi DN cũng là cách ứng phó với tình trạng sụt giảm kinh tế toàn cầu, điển hình là sự đóng băng của ngành du lịch, sụt giảm thương mại, gián đoạn chuỗi cung ứng, và suy giảm đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Tiếp cận vốn nhanh, đa dạng và hiệu quả
Ông Alfonso Garcia Mora cho biết thêm, ngay khi Covid- 19 bắt đầu gây ảnh hưởng tại châu Á, IFC đã nâng hạn mức tài trợ thương mại cho 4 ngân hàng tại Việt Nam lên 294 triệu USD. Từ nguồn vốn này đã nhanh chóng giải quyết những khó khăn về tài trợ thương mại như tài trợ trên 330 giao dịch xuất nhập khẩu của DN vừa và nhỏ trong nước với tổng giá trị trên 200 triệu USD. Hỗ trợ Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng thực hiện các biện pháp hỗ trợ tài chính cho các khách hàng, nhà cung cấp và nhà thầu trong chuỗi giá trị bất động sản, giúp duy trì việc làm. 70 triệu USD dành cho Công ty Indo Trans Logistics của Việt Nam nhằm hỗ trợ ngành kho vận, thúc đẩy thương mại và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Theo ông Gary Tseng – Tổng giám đốc Phú Mỹ Hưng – DN trong nước là khu vực tạo nhiều việc làm nhất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh hậu khủng hoảng dịch bệnh, loại hình DN này cũng gánh chịu nhiều khó khăn nhất. Các khoản hỗ trợ vốn kịp thời sẽ cho phép DN mở rộng hỗ trợ cho các khách hàng, tương trợ lẫn nhau để cùng phục hồi kinh tế sau khủng hoảng dịch bệnh.
Cũng từ khi đại dịch bùng phát, IFC đã nỗ lực hỗ trợ các DN nhỏ ở Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Ấn Độ và Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Đã có khoảng 5 triệu nông dân và DN vừa và nhỏ tham gia vào các mạng lưới chuỗi cung ứng, giúp nâng cao thu nhập của người nông dân, đẩy mạnh kinh doanh nông nghiệp và góp phần tăng cường an ninh lương thực.
“Ngoài ra, trong năm tài chính 2020, IFC tiếp tục tăng cường các hoạt động này và phối hợp với các ngân hàng thực hiện các dự án phức tạp có khả năng tạo ra các tác động sâu rộng để cung cấp năng lượng sạch cho người dân. Cố vấn cho các chính phủ và khu vực tư nhân trong nhiều lĩnh vực, từ tài chính xanh bền vững và các vấn đề về giới, đến tổ chức các hội thảo trực tuyến nhằm hỗ trợ các DN và các tổ chức ứng phó với các tác động của dịch bệnh” – ông Garcia Mora cho biết thêm.