Dịch Covid-19 bùng phát đã thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online.
Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh vừa tổ chức Diễn đàn với chủ đề: “Khuynh hướng tiêu dùng Việt Nam: Tương lai thanh toán trực tuyến và tiêu dùng online”.
Như chúng ta đều biết, tiêu dùng trực tuyến đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Tại Việt Nam, trong vòng 5 năm trở lại đây, hình thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm lớn của người dân, nhất là sau khi dịch bệnh bùng phát, người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang tiêu dùng online nhiều hơn.
Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, công nghệ thông tin và mỹ phẩm. Theo khảo sát mua sắm trực tuyến tại Việt Nam năm 2019: mua sắm quần áo: 24%, hàng cá nhân: 21%, hàng điện tử: 18%, vé máy bay, xem phim: 17%, nội dung online: 19%…
Hiện nay, người tiêu dùng và đặc biệt là giới trẻ, đã gắn chặt với các thiết bị di động, mạng xã hội và đặc biệt thích nghi với việc mua hàng trực tuyến (với hơn 50% dân số). Bên cạnh yếu tố tiết kiệm thời gian, người tiêu dùng Việt Nam muốn đầu tư cho một cuộc sống chất lượng cao nên ngày càng thích mua sắm trực tuyến vì độ tiện dụng. Đây chính là cơ hội hấp dẫn đối với các doanh nghiệp lựa chọn phương thức bán hàng trực tuyến, đưa phương thức này trở thành một xu hướng trong thời đại 4.0.
Chia sẻ về thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến tại Việt Nam, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, hiện xu hướng tiêu dùng online tại Việt Nam rất phát triển. Thương mại điện tử tăng trưởng nhanh với 80% đã từng mua hàng online. Các mặt hàng được mua sắm nhiều nhất là thời trang, công nghệ thông tin và mỹ phẩm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc Đối ngoại cấp cao, đại diện Tiki miền Bắc chia sẻ, với 1 nền tảng hạ tầng viễn thông của Việt Nam được đánh giá là tốt trong khu vực và thế giới với việc phổ cập 4G của các nhà mạng, Internet cáp quang đến mọi vùng miền của đất nước, với hơn 100 triệu thuê bao di động và đặc biệt người dùng điện thoại smartphone khoảng 45 triệu người và được tăng liên tục hàng năm.
Theo ông Hoàng Quốc Quyền, điều kiện để mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online là kết nối, thiết bị thì Việt Nam được đánh giá là thị trường bùng nổ và tốc độ cập nhật nhanh, hạ tầng kết nối tốt.
“Việc thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online đang là xu hướng hiện hữu khắp trên thế giới, nó cũng khẳng định người tiêu dùng thông minh chỉ cần 1 chiếc điện thoại là tích hợp mọi thứ, từ mua sắm đến tiêu dùng và làm giảm chi phí rất nhiều. Thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online sẽ thúc đẩy nhiều lĩnh vực phát triển trong đó có thương mại điện tử, góp phần làm minh bạch trong quản lý, thuận tiện cho người dùng”, ông Hoàng Quốc Quyền chia sẻ.
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, hiện thế trẻ rất cập nhật mảng tiêu dùng số. Cứ 10 người thì có 3 người sở hữu tài khoản với 1 tổ chức tài chính ở Việt Nam.
“Những thay đổi trong công nghệ cũng đang dẫn tới sự thay đổi trong hành vi của khách hàng theo hướng gia tăng sự thuận tiện, tạo trải nghiệm liên tục với những thương hiệu mới và được cá nhân hóa”, bà Đặng Thúy Hà chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Anh cho hay, có thực trạng là niềm tin của người tiêu dùng điện tử bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sản phẩm quá với chất lượng thực tế. Do đó, nhiều giao dịch không diễn ra đối với những mặt hàng có giá trị cao.
Tại Tiki, qua con số thực tế có thể thấy sự lệnh pha giữa thanh toán online với thương mại điện tử là khá lớn. Như Indonesia và Malaysia thì số thanh toán online cho thương mại điện tử khoảng 85%.
Ông Hoàng Quốc Quyền dẫn chứng, với sàn thương mại điện tử của Tiki thì một tháng có khoảng 4,5 đến 5 triệu đơn hàng thì số thanh toán online chỉ khoảng 40% còn lại 60% là tiền mặt.
Để người mua hàng sẵn sàng cho việc thanh toán online, không dùng tiền mặt, Chính phủ cần kiên quyết kiểm tra xử lý những sàn thương mại điện tử bán hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc. Đồng thời, có chế tài và biện pháp mạnh mẽ, thậm chí rút giấy phép. Chỉ có vậy mới tạo được niềm tin cho người mua sắm và thanh toán online.
Ông Lê Đức Anh cho rằng phải có giải pháp cùng các doanh nghiệp hạ tầng, các nhà mạng viễn thông, các công ty hợp pháp để thúc đẩy thị trường tiêu dùng online. Thông qua những hình thức hỗ trợ về chuyển phát về phí, chuyển phát về các hoạt động truyền thông, quảng bá, phát triển những giải pháp liên quan thông tin giao dịch, xác thực các đối tượng tham gia vào quá trình giao dịch, xử lý tranh chấp, khiếu nại.
Đối với các ngân hàng, cổng thanh toán, nhà mạng cần tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân khi thanh toán online cùng với các sàn thương mại điện tử. Việc tạo dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cũng là cách giảm thiểu rủi ro cho khách hàng và đảm bảo tính tuân thủ.
Ông Lê Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 37 tổ chức trung gian thanh toán; Đến cuối quý I/2020, số ví
điện tử đã mở, kích hoạt sử dụng đạt gần 13 triệu ví, tổng số dư ví 1,36 nghìn tỷ đồng và số đơn vị chấp nhận thanh toán ví ngày càng tăng, góp phần tích cực phổ cập tài chính tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước hiện đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thông qua ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, xây dựng chiến lược ngân hàng số, chiến lược hệ thống thanh toán coi trọng vai trò hợp tác ngân hàng-trung gian thanh toán, tận dụng nền tảng số, hệ sinh thái số do các trung gian thanh toán tham gia, phát triển.
Theo Diệu Linh/Thời báo Ngân hàng