TP.HCM chủ động nguồn hàng nếu xảy ra dịch bệnh Covid-19

TP.HCM đã có các phương án chuẩn bị nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo đủ nguồn cung và giá cả ổn định.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến khó lường, TP.HCM đã có các phương án chuẩn bị nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo đủ nguồn cung và giá cả ổn định. Đặc biệt là tránh tình trạng khi dịch bệnh bùng phát, người dân lo thiếu hàng, đổ xô đi mua sắm.

tp.hcm chu dong nguon hang neu xay ra dich benh covid-19 hinh 1
TP.HCM đã có các phương án chuẩn bị nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân, đảm bảo đủ nguồn cung và giá cả ổn định.

Chị Nguyễn Thị Thiên, ở Quận 3 đang mua sắm tại siêu thị Coopmart Nguyễn Đình Chiểu cho biết: Hàng hóa ở các siêu thị rất dồi dào nên chị không lo lắng nếu dịch bệnh xảy ra sẽ khan hàng. Rút kinh nghiệm lần trước, chị sợ dịch bệnh ảnh hưởng đến việc vận chuyển, lưu thông, phân phối hàng hóa nên vội mua trữ nhiều, đến giờ có những món  chưa dùng hết. Vì vậy, nếu bây giờ dịch bệnh bùng phát thì chị cũng không mua hàng về dự trữ.

“Nhà tôi vẫn còn nhiều mì gói, gia vị, thực phẩm chế biến. Tôi rút kinh nghiệm của đợt dịch trước nếu TPHCM xảy ra một lần nữa, thì tôi cũng không đổ xô đi mua hàng thực phẩm về dự trữ, vì tập trung đông người thì nguy cơ dịch bệnh càng tăng thêm. Tôi thấy hàng hóa ở siêu thị, chợ rất nhiều nên không lo thiếu hàng”, chị Thiên nói.

Qua đợt dịch bệnh Covid-19 vừa rồi, nhiều người dân TP.HCM đã có kinh nghiệm ứng phó trong việc chuẩn bị hàng hóa thiết yếu cho gia đình, không hoang mang lo lắng. Điều này cũng làm giảm áp lực cho doanh nghiệp và các nhà bán lẻ. Tuy nhiên, để chủ động cung ứng hàng hóa trong mọi tình huống bất ngờ, hiện nay, nhiều doanh nghiệp và hệ thống siêu thị ở TP.HCM đã tăng nguồn hàng dự trữ.

Cụ thể, hệ thống siêu thị của Liên minh Hợp tác xã thương mại TP.HCM  (SaiGon Co.op) đã chuẩn bị nhóm hàng hóa thiết yếu tăng hơn 30% so với bình thường. Riêng các loại nước sát trùng, sát khuẩn phòng ngừa dịch bệnh và khẩu trang, SaiGon Coop đang dự trữ lượng hàng hóa khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing SaiGon Coop cho biết đã chuẩn bị khoảng 200 tấn hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người tiêu dùng.

“Saigon Co.op chuẩn bị cho mọi kịch bản xấu nhất nếu dịch bệnh xảy ra. Chúng tôi chuẩn bị nguồn hàng, nếu xảy ra dịch bệnh thì tăng thêm nhóm hàng tươi sống và thiết yếu, nhóm hàng này chúng tôi dự kiến tăng từ 40-50%. Hiện nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tuần qua tăng khoảng 20%”, ông Huy cho biết thêm.

Không chỉ hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp cung ứng hàng tiêu dùng thiết yếu ở thành phố như: lương thực, thực phẩm  chế biến cũng tăng nguồn dự trữ.

tp.hcm chu dong nguon hang neu xay ra dich benh covid-19 hinh 2
Người dân rút kinh nghiệm từ đợt dịch đầu tiên cũng không mua tích trữ nữa mà chỉ mua đồ tươi sống cần thiết

Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ súc sản (VISSAN) cho biết: những ngày qua, sức mua hàng hóa của VISSAN đã tăng 15%, công ty đã tăng sản xuất các loại thực phẩm chế biến và loại nguyên liệu chế biến lên 50%.

“Chúng tôi đã nâng dự trữ hàng chế biến trong kho lên 2 tháng, do đó người tiêu dùng yên tâm không lo thiếu hàng, giá cả ồn định. Tất cả các siêu thị phân phối hàng hóa cho VISSAN và cửa hàng giới thiệu sản phẩm của VISSAN, Satrafood  đã chuẩn bị hàng đầy đủ trong kho và hàng trên kệ, tránh tình trạng thiếu hàng cục bộ khi sức mua tăng đột biến”, ông Dũng cho hay.

Trước đó, UBND TP.HCM đã có kế hoạch chuẩn bị hàng tiêu dùng thiết yếu ứng phó với dịch bệnh Covid-19 đợt mới. Theo đó, các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường của thành phố chuẩn bị gần 24.000 tấn lương thực, thực phẩm chế biến, dầu ăn, thịt gia súc, gia cầm… cho mỗi tháng, chiếm từ 35-50% nhu cầu của thị trường.

Qua khảo sát của Sở Công Thương TP.HCM, các hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng nguồn hàng tiêu dùng thiết cho người tiêu dùng trong tình huống các ca bệnh  gia tăng.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết:  Hiện nay, nguồn hàng chuẩn bị tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu với mức giá ổn định. Sở cũng chuẩn bị các phương án để điều phối hàng hóa nếu có tình trạng thiếu hàng cục bộ và yêu cầu các siêu thị tăng cường bán hàng trực tuyến, hạn chế tập trung đông người mua sắm.

“Tại những điểm bị cách ly thì mình đã có phương án phối hợp với SaiGon Co.op để cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, nếu có những khu vực bị cách ly như Hà Nội và Đà Nẵng thì có phương án cung ứng hàng hóa tại chỗ”, bà Trang khẳng định.

Dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến phức tạp, việc tăng dự trữ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ giúp TP. HCM chủ động đáp ứng nguồn cung và ổn định giá cả nếu dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, thành phố cũng góp phần ổn định được tâm lý người tiêu dùng, tránh lo lắng, đổ xô mua hàng, tập trung đông người làm cho công tác phòng, chống dịch bệnh càng khó khăn hơn./.