Cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa trực tuyến

Trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển như vũ bão, thì việc xuất khẩu hàng hóa thông qua hình thức trực tuyến được xem là cơ hội vàng cho doanh nghiệp.

Những năm gần đây, mô hình kinh doanh trên toàn cầu tiếp tục thay đổi đáng kể với sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT). Năm 2019, doanh thu từ TMĐT đã vượt 2000 tỷ USD và xu hướng sẽ tiếp tục phát triển mạnh ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, hầu hết các hoạt động này mới chỉ tập trung thị trường nội địa hoặc xúc tiến quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam ra thế giới, trong khi đây là cách thức tìm kiếm bạn hàng, thực hiện giao dịch kinh doanh hiệu quả, với khả năng lợi nhuận cao. Các doanh nghiệp đang đánh mất nhiều cơ hội xuất khẩu trực tuyến, phát triển quy mô.

Cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa trực tuyến thời 4.0. Ảnh minh họa.

Trao đổi về vấn đề trên, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trước đây, hoạt động xuất nhập khẩu nói chung chỉ dành cho các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực kinh tế tài chính cao. Họ gần như trở thành những “ông lớn” nhờ xuất nhập khẩu và ngược lại nhờ xuất nhập khẩu họ thống trị nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ngày nay, TMĐT và TMĐT xuyên biên giới đã thay đổi hoàn toàn chiều hướng này. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu.

Ông Vũ Tiến Lộc lấy ví dụ: Một anh nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk bằng một cú nhấn chuột có thể tiếp cận và bán hàng cho một quán cà phê ở New York (Mỹ), hay một chị thợ may ở Hội An có thể may đo cho một gia đình ở Paris.

Sự tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng đặt hàng người sản xuất dẫn dắt nền sản xuất, sẽ trở thành xu thế toàn cầu. Bây giờ cạnh trạnh toàn cầu đã vào đến cửa ngõ mỗi nhà rồi. Khách hàng toàn cầu vừa là cơ hội cũng vừa là thách thức của các doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho hay, gần đây, rất nhiều diễn đàn hỗ trợ của Nhà nước xúc tiến các hoạt động, các doanh nghiệp cũng bắt đầu có sự chuyển dịch – bắt đầu quan tâm chăm chút kỹ hơn website của mình – đầu tư hình ảnh sản phẩm, về thông số kỹ thuật, các tiêu chuẩn kỹ thuật để bạn hàng quốc tế tìm được. Tuy nhiên xuất khẩu một đơn hàng không đơn giản. Bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố về điều kiện logistics, điều kiện thanh toán…

Xuất phát từ thực tế trên, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh: “Bộ Công Thương đã và đang triển khai nhiều biện pháp như ban hành các văn bản cần thiết và tăng cường đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và xuất nhập khẩu nói riêng.

Chúng tôi sẽ mở rộng và phát triển nhiều dịch vụ công trực tuyến hơn nữa, thực hiện phương châm Chính phủ kiến tạo để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu các xu hướng, mô hình phù hợp và nhân lực, vật lực phù hợp để tham gia chuyển đổi số trong xuất nhập khẩu”.

Cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan khai trương Nền tảng hỗ trợ xuất khẩu Việt Nam (ECVN) phiên bản 2020. Đây là một giải pháp chuyển đổi số tối ưu dành cho cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu trong thời đại TMĐT phát triển mạnh mẽ.

Theo Thanh Tùng/Vietq.vn