Thận trọng khi thanh toán quốc tế

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, doanh nghiệp (DN) Việt Nam ngày càng chủ động tham gia tìm kiếm thị trường nước ngoài, có nhiều hợp đồng mua – bán suôn sẻ, thành công. Song, vẫn không ít DN đã thua lỗ, thậm chí mất hàng khi thanh toán quốc tế…

Thiếu kinh nghiệm

Thời gian gần đây, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Algeria, Maroc… liên tiếp đưa ra cảnh báo đối với DN Việt Nam khi thanh toán xuất nhập khẩu, nhất là thiếu kinh nghiệm khi sử dụng phương thức thanh toán L/C. Mặc dù, phương thức thanh toán quốc tế này được cho là an toàn nhất đối với người bán và người mua, tuy nhiên, do phức tạp ở khâu làm chứng từ, một số DN Việt Nam phải đối diện nguy cơ từ chối thanh toán từ khách hàng.

than trong khi thanh toan quoc te
Cần xác minh thông tin trước khi giao dịch quốc tế.

Thương vụ Việt Nam tại Pakistan dẫn chứng, Công ty A. tại tỉnh Thừa Thiên Huế ký hợp đồng xuất khẩu cao su sang Pakistan. Để đảm bảo an toàn trong khâu thanh toán quốc tế, công ty đã thỏa thuận với khách hàng sử dụng phương thức thanh toán L/C. Sau khi giao hàng, Công ty A. làm thủ tục thanh toán, tuy nhiên, ngân hàng từ chối thanh toán với lý do bộ chứng từ không phù hợp với các quy định của L/C. Công ty A. buộc phải liên hệ trực tiếp với khách hàng đề nghị chấp nhận thanh toán nhưng bị từ chối và tìm cách cản trở việc tái xuất lô hàng về Việt Nam để ép giá.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, rủi ro chỉ xảy ra đối với người mua khi người bán làm giả các chứng từ giao hàng mà ngân hàng không phát hiện ra; hoặc rủi ro đối với người bán khi người mua cố tình gài bẫy bằng cách đưa vào các quy định của L/C một hoặc một số yêu cầu mà người bán không thể thực hiện được. Trước đó, Thương vụ Việt Nam tại Algeria (kiêm nhiệm Mali, Senegal, Xarauy, Niger, Gambia) cho biết, đã xuất hiện lừa đảo để lấy bộ chứng từ không qua ngân hàng…

Xác minh đối tác, tránh rủi ro

Ông Lê Phú Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ – cho biết, đa phần DN Việt bị thiệt hại do quá chủ quan, không liên hệ với thương vụ để xác minh DN trước khi giao dịch hoặc thanh toán. Không ít trường hợp DN xuất khẩu chấp nhận các điều kiện thanh toán rủi ro, nhất là điều kiện CAD. Mặt khác, trong nhiều giao dịch, hai bên không có hợp đồng mà chỉ xác nhận lên hóa đơn và coi là hợp đồng nên thiếu các điều khoản quan trọng về giải quyết tranh chấp. “Việc xác minh, kiểm tra đối tác rất quan trọng và góp phần ngăn chặn được nhiều giao dịch có khả năng lừa đảo”- ông Lê Phú Cường nhấn mạnh.

Trong khâu thanh toán, ông Hoàng Đức Nhuận – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Algeria – khuyến cáo, DN nên sử dụng L/C không hủy ngang có xác nhận của ngân hàng uy tín châu Âu hoặc châu Mỹ. Đề nghị khách hàng trả trước (đặt cọc) ít nhất là 40 – 50% giá trị tiền hàng, không chấp nhận phương thức trả chậm. Tuyệt đối không nên sử dụng hình thức thanh toán D/A (nhờ thu chấp nhận chứng từ) bởi một khi khách hàng đề nghị hình thức thanh toán này, rất có thể DN xuất khẩu sẽ bị mất hàng. Đặc biệt, cần lưu ý và xác định rõ địa chỉ ngân hàng cũng như người nhận bộ chứng từ của bên mua, vì có hiện tượng khách hàng cho địa chỉ người nhận chứng từ không thuộc ngân hàng…

Đối với DN chưa có kinh nghiệm sử dụng phương thức thanh toán L/C, khi nhận được L/C, nhân viên phụ trách thanh toán quốc tế của DN phải nghiên cứu rất cẩn thận nội dung của L/C đến từng dấu chấm, dấu phẩy, bởi chỉ cần thiếu hoặc sai vị trí dấu câu cũng đủ để khách hàng và ngân hàng có lý do từ chối thanh toán.

Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn lực có kinh nghiệm về các phương thức thanh toán quốc tế, DN cũng cần sự đồng hành của các tổ chức chuyên ngành về thanh toán và thanh toán quốc tế để đối phó với những loại “bẫy” trong thanh toán quốc tế.

Theo Tuệ Minh/Báo Công Thương