Bộ GD&ĐT đề xuất 3 hình thức dạy học trực tuyến

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư ban hành Quy định quản lý tổ chức dạy học trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, trong đó đề xuất 3 hình thức dạy học trực tuyến.

Ảnh minh họa

Cụ thể  3 hình thức tổ chức dạy học trực tuyến gồm.

 

Hình thức thứ nhất: Dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp. Theo đó, giáo viên có thể cung cấp tài liệu, học liệu, giao nhiệm vụ và giám sát, hướng dẫn học sinh tự học, chuẩn bị cho các hoạt động dạy học trực tiếp.

 

Hình thức thứ haiDạy học trực tuyến thay thế một phần quá trình dạy học trực tiếp. Giáo viên giao cho học sinh một số nội dung tự học ở nhà để tăng thời gian luyện tập, thực hành, trải nghiệm làm việc nhóm, thảo luận khi học sinh ở trường.

 

Hình thức thứ ba: Dạy học trực tuyến thay thế hoàn toàn quá trình dạy học trực tiếp. Theo đó, các hoạt động của tiến trình dạy học được tổ chức thực hiện hoàn toàn thông qua môi trường Internet. Hình thức này chỉ áp dụng khi học sinh không thể đến trường.

 

Các nội dung khác về tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến như hạ tầng kỹ thuật và học liệu dạy học, quyền và nhiệm vụ của giáo viên… cũng được quy định rõ trong dự thảo Thông tư.

 

Việc công nhận kết quả dạy và học trực tuyến phải dựa trên cơ sở đánh giá chính xác, khách quan kết quả học tập của học sinh và theo các quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh.

Việc xét và công nhận kết quả học tập trực tuyến của học sinh được thực hiện như hình thức học tập trực tiếp.

Bộ GD&ĐT cho biết,  mục đích của việc dạy học trực tuyến là để mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, đặc biệt là khi các em không thể đến được trường vì những lí do khách quan. Phương thức này còn bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp trên lớp, giúp nâng cao hiệu quả công tác dạy học, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục và khuyến khích sự sáng tạo của giáo viên, học sinh.

Dạy học trực tuyến cũng tạo cơ hội cho giáo viên, học sinh được chủ động tiếp cận nguồn học liệu hữu ích trên Internet để phục vụ việc giảng dạy và học tập. Thông qua đó, giáo viên và học sinh được nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, góp phần đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá.

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Theo L.P/baochinhphu.vn