Trong ngày 12-8, giá vàng SJC liên tục nhảy múa, có thời điểm rớt xuống chỉ còn 47,6 – 51,2 triệu đồng/lượng kích thích nhu cầu mua vào của người dân
Giá vàng giảm chóng mặt khiến nhiều người tiếc vì không kịp giao dịch. Cầm phiếu bốc số chờ đến lượt giao dịch tại trụ sở Công ty SJC ở quận 3, TP HCM sáng 12-8, cô Minh (ngụ quận 7) cho biết buổi sáng khi thấy giá giảm xuống khoảng 51,2 triệu đồng/lượng, cô quyết định tới mua vàng để dành.
“Trong lúc bốc số chờ tới lượt, giá vàng SJC bán nhảy lên 51,75 triệu đồng/lượng và tới khoảng 11 giờ khi cô giao dịch giá đã lên 51,9 triệu đồng/lượng. Giá thay đổi nhanh quá” – cô Minh nói.
Nhiều người đang ngồi chờ tại quầy giao dịch ở trụ sở chính của Công ty SJC cũng cho biết thấy giá vàng xuống thấp so với vùng đỉnh 62 triệu đồng/lượng nên đi mua để dành. “Nếu so với mức đỉnh tuần trước thì giờ mỗi lượng vàng SJC đã giảm khoảng chục triệu đồng, nhìn giá chạy chóng mặt nhưng tôi mua để dành nên không lo” – một khách hàng nữ đang chờ tới lượt cho hay.
Nhân viên Công ty SJC cho biết thời điểm giá vàng ở đỉnh 60-62 triệu đồng/lượng, vẫn có nhiều khách hàng đến hỏi mua 50-70 lượng nhưng từ cuối tuần qua đến giờ, khi giá vàng giảm lại có rất nhiều người mang vàng đi bán.
Tại nhiều tiệm vàng nhỏ lẻ trên địa bàn TP HCM, lượng khách đến giao dịch không đông nhưng giá vàng các loại lại “chạy loạn xạ”.
Lúc 10 giờ 30 phút, đa số tiệm vàng ở khu vực quận 1,3, Gò Vấp, Bình Thạnh… công bố giá vàng miếng SJC mua vào 49,5 triệu đồng/lượng, bán ra 52,5 triệu đồng/lượng. Song, một số tiệm khác báo giá mua vàng miếng SJC ở mức 48 triệu đồng/lượng, bán ra 52 triệu đồng/lượng (chênh lệch giá mua vào bán ra đến 4 triệu đồng/lượng). Riêng vàng nhẫn trơn 24K, các chủ tiệm vàng mua vào 47 triệu đồng/lượng, bán ra từ 49-50 triệu đồng/lượng.
Tại chuỗi cửa hàng vàng của hệ thống Mi Hồng (quận Bình Thạnh), không khí giao dịch khá trầm lắng. Số lượng nhân viên bán hàng đông ngang ngửa với khách hàng (khoảng 20 người). Nhiều người đến các tiệm này chỉ để mua – bán vàng nữ trang, nhẫn hoặc bán các loại vàng miếng Thần Tài 1- 2 chỉ. Còn người mua vàng miếng thương hiệu SJC không nhiều.
Nhiều tiệm vàng khác trên địa bàn TP cũng thưa thớt khách. Tại một tiệm vàng ở khu vực chợ Gò Vấp, chợ Cầu (quận 12), khi chúng tôi ngỏ ý bán 3 lượng vàng, nhân viên của tiệm vàng Kim Phát I (quận Gò Vấp) hỏi ý kiến chủ tiệm rồi thông báo mua 48 triệu đồng/lượng. Theo các tiệm vàng, do giá vàng biến động quá mạnh và liên tục nên khách đến giao dịch không đột biến, đặc biệt khách giao dịch vàng trang sức càng vắng hơn…
Đến cuối buổi sáng, theo ghi nhận tại một số công ty vàng, nhu cầu mua vào của người dân tăng mạnh nên các công ty bắt đầu đẩy giá lên.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Vàng bạc Đá quý SJC Phú Thọ, nhận định diễn biến những ngày qua cho thấy giới đầu cơ thế giới đã hành động sớm hơn những kịch bản được dự báo. Và do đã tăng quá nóng nên mức điều chỉnh của vàng khá sốc, rớt từ vùng 2.000 USD/ounce xuống dưới 1.900 USD/ounce.
“Thời gian qua giá vàng thế giới đã biến động vượt ngoài dự báo, do vậy khi các quỹ đầu tư chốt lời giá sẽ giảm rất mạnh. Ngưỡng tiếp theo có thể là 1.870 USD/ounce, trong bối cảnh Mỹ đã cắt giảm quy mô các gói hỗ trợ, Nga công bố vắcxin phòng dịch Covid-19. Khi đó giá vàng trong nước có khả năng về mức 50 triệu đồng/lượng” – ông Trần Thanh Hải dự đoán.
Vàng trong nước tăng giá trở lại
Lúc 14 giờ, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 49,8 triệu đồng/lượng, 54 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 1,5 triệu đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua nhưng lại tăng tới 2,8 triệu đồng/lượng so với cuối buổi sáng.
Tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI giao dịch giá vàng SJC mua vào 50 triệu đồng/lượng, bán ra 53 triệu đồng/lượng.
Giá vàng biến động với biên độ và tốc độ quá nhanh, mạnh khiến các doanh nghiệp nới rộng chênh lệch mua - bán lên tới 3-4 triệu đồng/lượng - mức kỷ lục trong những đợt sốt giá vàng.
Theo Báo Người lao động