Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định, đúng theo kế hoạch, đến 30/6, toàn bộ 100% doanh nghiệp sẽ dùng hoá đơn điện tử.
Chiều 1/6, Bộ Tài chính tổ chức buổi họp báo chuyên đề về nội dung “Kết quả bước đầu và những vấn đề cần giải quyết khi triển khai hoá đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc”.
Thông tin tại họp báo, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tính đến ngày 24/5/2022 công tác triển khai hóa đơn điện tử đã đạt được những kết quả tích cực, trên cả nước đã có 764.314 doanh nghiệp (tương đương 92,6% tổng số doanh nghiệp) và 52.778 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký và chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC.
Số lượng hóa đơn cơ quan thuế đã tiếp nhận xử lý từ khi triển khai đến ngày 24/5/2022 là 318.401.123 hóa đơn trong đó: Hóa đơn có mã: 106.414.378 hóa đơn; hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế: 41.347.907 hóa đơn; hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp cơ quan thuế: 170.588.512 hóa đơn; hóa đơn theo lần phát sinh: 50.326 hóa đơn.
“Hiện ngành thuế và các đơn vị cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử đã phối hợp và triển khai áp dụng mã QR trên hoá đơn điện tử hỗ trợ người nộp thuế, cơ quan, tổ chức sử dụng có thể tra cứu thông tin hoá đơn ngay trên thiết bị di dộng với thao tác đơn giản nên rất thuận tiện. Ngoài ra, ngành Thuế cũng nghiên cứu các ứng dụng công nghệ thông tin, kết hợp với các trung gian thanh toán, sử dụng mã QR để có thể xuất hoá đơn và thực hiện thanh toán ngay với các nhà cung cấp giải pháp, thông qua thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Đặng Ngọc Minh thông tin.
Đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, đại diện Tổng cục Thuế cho biết việc chuyển sang dùng hoá đơn điện tử cũng là quá trình chuyển đổi số. Các doanh nghiệp này cũng đã sử dụng phần mềm kế toán điện tử nên việc dùng hoá đơn điện tử rất thuận tiện.
Về lo ngại gian lận hoá đơn điện tử, đại diện Tổng cục Thuế cho biết bất kỳ hình thức hoá đơn nào cũng đều có gian lận. Nhưng hoá đơn điện tử sẽ lưu lại hết trên hệ thống của cơ quan thuế, người dân, doanh nghiệp, tổ chức có thể tra được trên hệ thống việc có hay không bên thứ ba sử dụng hoá đơn điện tử đó. Cơ quan thuế sẽ có biện pháp quản lý rủi ro, sử dụng các biện pháp như phân tích dữ liệu lớn, phân tích xu thế, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phát hiện hành vi vi phạm.
Ngành Thuế đang có đề án ứng dụng công nghệ để phân tích, phát hiện nhanh, xử lý triệt để vấn đề gian lận hoá đơn. Đại diện Tổng cục Thuế cũng thông tin hiện chưa phát hiện hành vi gian lận hoá đơn điện tử nào.
Với mục tiêu đến ngày 1/7/2022 toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt việc tổ chức thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình 2 giai đoạn:
Triển khai giai đoạn 1 tại địa bàn 6 tỉnh, thành phố (gồm Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ) từ ngày 21/11/2021.
Triển khai giai đoạn 2 tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại từ tháng 4/2022.
Theo Quỳnh Trang/Thời báo Ngân hàng