Cơ duyên nào dẫn bà tới ngành sữa và nông nghiệp, thưa bà?
Cơ duyên đưa tôi đến với nông nghiệp bắt nguồn từ năm 2008, khi sự cố sữa nhiễm melamine gây bệnh sạn thận ở trẻ em Trung Quốc. Thời điểm đó, thị trường sữa nước Việt Nam có tới 92% là sữa bột nhập khẩu về pha lại, trong đó có nhập từ Trung Quốc. Lúc đó, khát vọng của tôi là bắt tay vào làm dòng sản phẩm sữa tươi sạch, tinh khiết cho người tiêu dùng Việt Nam chứ không phải nhập sữa bột về hoàn nguyên rồi gọi đấy là sữa tươi.
Năm 2009, khi thành lập Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH Milk Food JSC), tôi mời chuyên gia giỏi nhất tư vấn cách ứng dụng công nghệ cao của thế giới trong trồng cỏ, nuôi bò và chế biến sữa. Lúc đó chồng tôi bảo: “Em ơi vợ chồng mình thoát cảnh nông dân rồi đến nỗi nào đâu em lại đi theo đuôi con bò?”. Tôi cười bảo: “Con bò này nó khác anh ạ, nó là con bò công nghệ: Quản lý kiểm soát đàn bò công nghệ Israel, quản lý thú y của New Zealand, quản lý tài chính phần mềm SAP của Đức. Con bò này nó ăn thức ăn sạch nhất, uống nước tinh khiết nhất, có thiết bị công nghệ phát hiện được bệnh trước 4 đến 7 ngày để cách ly. Bò được nuôi dưỡng quản lý như thế nên yên tâm đến từng giọt sữa, sạch và tinh túy nhất”.
Thời điểm đấy nhiều người nghĩ đầu tư nuôi bò sữa theo chuỗi khép kín như TH là mạo hiểm, liều. Ngay cả những đơn vị có nghề còn không thành công huống gì doanh nghiệp mới toanh chưa có một chút kinh nghiệm nào, thưa bà?
Đúng là ai cũng lo lắng cho TH, muốn mô hình TH thành công mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn nguyên cảm kích. TH đầu tư nuôi bò sữa tại Nghệ An, vùng đất gió Lào nóng thế, như sau này anh Hoàng Kim Giao lúc đó là Cục trưởng Cục Chăn nuôi kể lại là nghe mà hết hồn. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, “cha đẻ” Chương trình bò sữa quốc gia, cũng lo. Thời điểm nhạy cảm sự kiện sữa nhiễm melamine ảnh hưởng dây chuyền từ Trung Quốc khiến sữa không bán được giờ lại nghe có người đầu tư nuôi bò sữa lớn ở một nơi không thuận lợi sự hoài nghi là đúng.
Nhưng khi chúng tôi trình bày ý tưởng và công nghệ thì ai cũng yên tâm. Tôi nói với bác Tạn ngành bò sữa Việt Nam ta chưa thành công bởi giống không chuẩn còn quy trình chăn nuôi chưa hoàn thiện. Ngay từ khâu giống, nhập bò loại thải về nuôi thất bại là đúng rồi.
Tất nhiên giờ thành công, rất vững tin nhưng nhớ lại 10 năm trước thấy quả thật công việc ngổn ngang, chất chồng như núi. Nuôi được bò sữa là một chuyện, còn chế biến, còn thị trường, xây dựng thương hiệu. Cạnh tranh thì khốc liệt. Rất may Bộ NN-PTNT, tỉnh Nghệ An nơi chúng tôi đầu tư, đã rất quan tâm, ủng hộ.
Từ chuyện đất đai, tôi nói là TH không lấy mét đất nào của nông dân mà sử dụng nông lâm trường hoạt động không hiệu quả. Chủ tịch Nghệ An lúc đó là ông Phan Đình Trạc rất quyết tâm thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp. Khi TH được giao đất để đầu tư vốn liếng đưa khoa học công nghệ nuôi bò sữa, trồng cỏ trồng ngô thì rõ ràng bộ mặt nông nghiệp vùng Phủ Quỳ thay đổi hẳn. Với trên 45.000 con bò sữa đang có cùng hàng ngàn hàng vạn hecta đất trồng cỏ trồng ngô hôm nay cùng mai sau, giá trị canh tác cao hơn rất nhiều lần. Đây là cái lợi của không riêng TH, người nông dân, mà xã hội cũng cùng có lợi.
Xã hội có lợi vì thêm sản phẩm sữa cho người tiêu dùng, đặc biệt từ khi tập đoàn TH với thương hiệu sữa tươi TH true Milk xuất hiện thì ngành sữa Việt Nam có bước phát triển được xem ngoạn mục, nhiều doanh nghiệp lớn đã thật sự đầu tư nuôi bò sữa chất lượng cao. Bước tiếp theo của TH là gì?
Đưa đàn bò sữa chăn nuôi tập trung đến năm 2021 là 70 ngàn con và năm 2025 là 200 ngàn con cùng với liên kết với dân nuôi 200 ngàn con nữa đạt tổng đàn 400 ngàn con nuôi theo công nghệ của TH.
Khoảng hai, ba năm nay tôi suy nghĩ rất nhiều về hợp tác xã kiểu mới. Phát triển nông nghiệp đang rất cần sự dẫn dắt của doanh nghiệp bằng vốn liếng, công nghệ và thị trường nhưng làm nông nghiệp muốn gì cũng phải hướng mục tiêu về người nông dân. Nhưng doanh nghiệp thì rất khó đi thẳng xuống người nông dân, sản xuất càng lớn càng khó, mà cần phải thông qua các hợp tác xã. Hợp tác xã là cầu nối doanh nghiệp với nông dân, chủ đề này có vẻ nghe đi nghe lại nhàm chán cũ kỹ nhưng đấy là triết lý, là điều kiện cần và đủ, đây cũng là chính sách của Đảng và nhà nước nên càng phải kiên trì thực hiện.
Chúng tôi đã mời gọi, lập mới và liên kết với nhiều hợp tác xã, bắt đầu từ một số khu vực của Lâm Đồng, rồi đến Đức Hòa (Long An), Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), sắp tới là Ba Vì (Hà Nội), Tam Đảo và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), rồi kéo lên Hà Giang, Cao Bằng, Quảng Ninh…, đích đến là một liên minh hợp tác xã đủ lớn toàn cõi Việt Nam.
Cách làm là nông dân có đất đai, lao động, hợp tác xã làm cầu nối còn công nghệ và thị trường là doanh nghiệp. Ở đâu chúng tôi cũng sẽ có những trang trại chăn nuôi tập trung làm hình mẫu. Hợp tác xã là vệ tinh chăn nuôi theo công nghệ TH.
Triết lý của chúng tôi là bò của TH được chăm sóc thế nào, bò của nông dân tham gia HTX cũng được chăm sóc như thế. Sữa ở trang trại TH như thế nào thì sữa ở các nông hộ nuôi bò dưới sự hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm của TH cũng có chất lượng đồng nhất.
Tập đoàn TH thời gian qua đã đầu tư dự án tổ hợp chăn nuôi bò sữa tại Liên bang Nga với tổng vốn rất lớn 2,7 tỷ USD và bước đầu đã cho sản phẩm sữa đầu tiên được Tổng thống Nga khen ngợi là hành động dũng cảm còn dư luận quốc tế đánh giá rất cao.
Năm ngoái, TH Milk Food cũng là doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sữa và sản phẩm sữa sang Trung Quốc, thị trường đông dân nhất với mức tiêu thụ sữa khổng lồ. Chúng ta có quyền tự hào làm ra được những sản phẩm tốt nhất ở tầm thế giới, thưa bà?
Tôi yêu đất nước Nga, con người Nga, đất nước con người đã giúp chúng ta rất nhiều trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Chúng tôi sang Nga với tình cảm về một đất nước Nga vĩ đại và nhân hậu nhưng tôi cũng nhìn thấy ở đó những tiềm năng vô cùng lớn về nhu cầu tiêu dùng cùng những thảo nguyên mênh mông. Chúng tôi xây dựng dự án tại đất nước Nga để thể hiện ý chí con người Việt Nam, doanh nhân Việt Nam.
Còn Trung Quốc rõ ràng là thị trường lớn, sát ngay cạnh ta. Vấn đề sản phẩm muốn xuất khẩu được thì phải tuân thủ về chất lượng, tránh coi Trung Quốc là thị trường dễ tính, chẳng hạn mặt hàng sữa họ làm rất nghiêm ngặt, kỹ càng. Không riêng gì sữa mà tất cả các mặt hàng nông sản của Việt Nam từ lúa gạo, trái cây nhiệt đới đến cá tôm đều có sức hút vô cùng lớn với thị trường khổng lồ Trung Quốc.
Gắn với nông nghiệp, đi sâu vào nông nghiệp tôi càng thấy chúng ta có rất nhiều lợi thế. Sau sữa chúng tôi làm rau sạch, gạo, nước mắm, muối, hình thành nên “Bếp ăn TH”. Sản phẩm gì cũng phải sạch, lấy giá trị con người làm cốt lõi sẽ được người tiêu dùng đón nhận.
Từ Nga đến Trung Quốc, đi ra bên ngoài thấy thị trường là vô cùng. Đi rồi thấy Việt Nam mình có thể trở thành “Bếp ăn thế giới”. Vùng miền nào cũng lợi thế nhưng phải đưa công nghệ vào và dẫn dắt cùng nhau làm cùng nhau hướng đến chứ đừng ở tâm thế buôn thúng bán mẹt kèn cựa lẫn nhau.
Đó cũng là một triết lý kinh doanh, một khát vọng…?
Khát vọng về một nền nông nghiệp Việt Nam hùng mạnh, lên đỉnh vinh quang, bền vững, tôi nghĩ doanh nghiệp nào cũng hằng mong, hướng đến. Muốn vinh quang cần một tầng lớp doanh nghiệp dẫn dắt bằng sản xuất công nghệ cao kết hợp liên minh hợp tác xã. Phải có khoa học công nghệ và khoa học quản trị mới có sản phẩm tốt nhất, giá thành tốt nhất.
Doanh nghiệp cần một thể chế chính sách minh bạch, mà trước tiên là ban hành bộ tiêu chuẩn quy chuẩn quốc gia đúng thông lệ quốc tế. Có một bộ tiêu chuẩn sản phẩm người dân mới không phải ăn đồ dởm, đồ kém chất lượng. Còn doanh nghiệp, cứ căn cứ vào đó mà thực hiện. Anh nào không thực hiện được, đương nhiên phải rời bỏ cuộc chơi.
Năm 2011, báo chí đăng một bức ảnh Tổng thống Israel Shimon Peres – người đoạt giải Nobel Hòa bình, cầm hộp sữa tươi TH true Milk thưởng thức. Bà có thể chia sẻ về sự kiện này?
Tổng thống Shimon Peres để lại ấn tượng mạnh, không những ông rất thông minh mà còn dành tình cảm yêu mến đất nước con người Việt Nam.
Shimon Peres từng là thư ký của David Ben Gurion, người sau này là Thủ tướng Israel (1948), lãnh tụ lập quốc. Năm 1946, Thủ tướng tương lai của Israel David Ben Gurion và Chủ tịch Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh ở cùng một khách sạn tại Paris, cùng đi đòi quyền dân chủ cho đất nước mình và họ đã trở thành bạn bè thân thiết. Trong khoảng một tuần gặp nhau ngắn ngủi đó, Hồ Chủ tịch mời David Ben Gurion sau này nếu khó khăn thì hãy đến Việt Nam. Thư ký là Shimon Peres đã ghi vào sổ tay thành ý này của Hồ Chủ tịch.
Năm 2011 Tổng thống Shimon Peres sang thăm Việt Nam, hội kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tôi may mắn nằm trong số người được gặp ngài. Ngài là nguyên thủ quốc gia, việc ăn uống được quản lý rất chặt chẽ nhưng khi gặp, tôi vẫn mạnh dạn mời tổng thống uống sữa. Tôi nói: Kính thưa Tổng thống, đây là ly sữa mà những chuyên gia từ đất nước ngài cùng những người công nhân Việt Nam ngày đêm làm trên đồng ruộng. Giờ đây những ly sữa đã được mang đến để mời ngài thưởng thức.
Ông vui vẻ bảo mở và uống ngay, còn khà to cười rất sảng khoái.
– Cảm nhận của ngài thế nào ạ?
Tổng thống nói ngay:
– Ly sữa của Israel là ly sữa sản xuất bằng công nghệ tốt nhất thế giới nên chất lượng hàng đầu thế giới. Ly sữa này cũng dùng công nghệ Israel nên nó cũng như thế.
Chuyến thăm ấy Tổng thống Israel Shimon Peres đã ký cho Tập đoàn TH vay 100 triệu USD không cần thế chấp. Israel còn đào tạo miễn phí cho một loạt cán bộ nông nghiệp của Nghệ An, quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, nơi nuôi bò sữa tập trung bằng công nghệ Israel.
Quả là hạnh phúc đích thực, thưa bà?
Hạnh phúc đích thực là hướng đến cộng đồng và tôi thấy ở Tổng thống Israel Shimon Peres thể hiện rõ điều đó. Trên tinh thần đó, chúng tôi cam kết chất lượng sữa nuôi trong trang trại TH thế nào thì chất lượng sữa nuôi trong nông hộ dưới sự bảo trợ của TH đều đạt chất lượng tương tự. Các hợp tác xã đồng hành TH nuôi bò sữa đều được quản lý bằng công nghệ tốt nhất chúng tôi có.
Chỉ khi nhìn thấy người nông dân hạnh phúc chúng tôi mới thực sự thấy hạnh phúc.
Bà Thái Hương là nhà sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược – Tập đoàn TH: Sáng lập và Tư vấn đầu tư các dự án mà Tập đoàn TH đang triển khai gồm: Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao”; các dự án sản xuất rau sạch, dược liệu, mía đường, gỗ ép, du lịch, giáo dục, y tế…
Với sự tư vấn chiến lược của bà Thái Hương, Tập đoàn TH hiện đã mở rộng và đang vận hành các công ty:
– Công ty cổ phần Thực phẩm sữa TH (TH Milk Food JSC, vận hành trang trại).
– Công ty cổ phần Sữa TH (TH Milk JSC, vận hành nhà máy).
– Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (TH Food Chain, phân phối sản phẩm sữa).
– Công ty sữa Đà Lạt (Dalat Milk).
– Công ty cổ phần dược liệu TH (TH Herbals).
– Công ty cổ phần lâm nghiệp Tháng Năm (May Forestry).
– Công ty cổ phần Sản xuất Cung ứng Rau quả sạch Quốc tế (FVF).
– Công ty TNHH Mía đường Nghệ An (NASU).
– Dự án Golden Stream Đà Lạt.
– Công ty cổ phần Giáo dục Quốc tế (vận hành trường quốc tế TH School).
– Công ty cổ phần phát triển Y học Quốc tế (vận hành Tổ hợp Y tế & Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH Medical).
Cùng với hoạt động tư vấn chiến lược cho tập đoàn TH, bản thân bà còn tham gia tích cực các hoạt động cộng đồng, thúc đẩy nghiên cứu và có vai trò chủ chốt ở các hiệp hội, viện nghiên cứu:
– Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân nữ Việt Nam.
– Thành viên sáng lập Hiệp hội Các doanh nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
– Sáng lập và bảo trợ Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng TH.
– Sáng lập và bảo trợ Viện Nghiên cứu Chăn nuôi TH.
Với vai trò sáng lập, tư vấn chiến lược, bà đã dẫn dắt Tập đoàn TH đạt nhiều thành tựu nổi bật, trong đó được đánh giá cao nhất là Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao” sản xuất sữa tươi theo chuỗi khép kín từ đồng cỏ xanh tới ly sữa sạch.
Dự án này được triển khai từ tháng 10 năm 2009 với tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD… Tới thời điểm năm 2019, Dự án đã có tổng đàn bò sữa 45.000 con tại Nghệ An và đang tiếp tục phát triển đàn bò sữa ra nhiều địa phương khác – trong đó đã động thổ, khởi công các cụm trang trại bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại Thanh Hóa, Hà Giang, Phú Yên… Ngay từ khi triển khai Dự án năm 2009, bà Thái Hương đã tư vấn cho Tập đoàn TH chọn một hướng đi riêng. Đó chính là nhập bò, trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi thay vì nhập sữa bột về và pha lại. Khi đó, nhiều chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này đều cho rằng đó là quyết định mạo hiểm. Nhưng bà đã có góc nhìn chiến lược khác biệt – chọn con đường khó, thậm chí mở đường để đi.
Với những đóng góp lớn cho xã hội, bà Thái Hương đã đoạt nhiều giải thưởng uy tín. Trong đó có giải “Nữ doanh nhân quyền lực” trong khuôn khổ diễn đàn Tri thức thế giới – World Knowledge Forum (WKF) 2019. Đây là giải thưởng phi thương mại uy tín bậc nhất châu Á thuộc hệ thống giải thưởng Doanh nhân ASEAN.
Bà Thái Hương cũng đã được Ban tổ chức Stevie Awards, được cho là “giải Oscar” trong giới kinh doanh quốc tế trao danh hiệu: Nhà sáng tạo có tư duy đổi mới vì hạnh phúc đích thực.
Ngoài ra, bà Thái Hương liên tục nhận được nhiều giải thưởng quốc tế uy tín như: Top 50 nữ doanh nhân quyền lực châu Á trong hai năm liên tiếp 2015 – 2016; Top những phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019 của Tạp chí Forbes; Doanh nhân xuất sắc của năm của Stevie Awards 2018; Lãnh đạo có trách nhiệm châu Á AREA của Enterprise Asia 2018, Doanh nhân châu Á – Thái Bình Dương APEA của Enterprise 2018 và Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng nhất của năm – được trao bởi tạp chí Tài chính Quốc tế IFM 2018.
Rõ ràng quyết định thành lập TH True MILK thời điểm đó được coi là một quyết định mạo hiểm?
Tôi biết, nhiều chuyên gia còn nhận định: TH sẽ cầm chắc thất bại!
Không những khó về thị trường mà trong đầu tư tôi không chọn nơi có khí hậu ôn hòa như lý thuyết nuôi bò sữa, lại chọn quê hương Nghệ An khắc nghiệt gió Lào.
Bí quyết chính là công nghệ. Tôi chọn công nghệ và quản trị của Israel, thậm chí thuê cả nông dân Israel sang hướng dẫn nông dân Việt làm quen với cách làm của một trang trại nông nghiệp công nghệ cao tập trung. Các loại máy móc, công nghệ khác, chúng tôi nhập khẩu từ Đức, Hà Lan…
Cho tới thời điểm này, vẫn có nhiều người hỏi tôi vì sao đang làm ngân hàng lại quay sang tư vấn đầu tư làm sữa tươi. Câu hỏi này tôi đã trả lời nhiều lần. Đó chỉ là chuyện khởi đầu.
Tôi chưa có kiến thức nào về sữa nhưng với sự định vị sản phẩm và trong hoàn cảnh lúc đó Việt Nam 92% nhập khẩu sữa bột, chủ yếu từ Trung Quốc về pha lại, với trực quan của một người mẹ, tôi đã thốt lên: “Không thể chậm trễ hơn nữa” và hệ thống trang trại của Dự án có quy mô lên tới 1,2 tỷ USD nơi miền quê xứ Nghệ ra đời là như thế. 7 tháng sau đàn bò đã cho dòng sữa tươi sạch đầu tiên. Và 14 tháng kể từ ngày khởi công xây dựng, ngày 26/12/2010 – sản phẩm sữa TH true Milk đến với người tiêu dùng.
Nhìn những giọt sữa thành quả đầu tiên, tôi tự nhủ lòng, viết và ghi nhớ: “Hãy làm cho trẻ em ly sữa bằng cả trái tim và tấm lòng người mẹ”. Phải quyết tâm sản xuất ra ly sữa đạt chuẩn quốc tế ngay trên đồng đất quê hương Việt Nam.
Đúng là rất khó khăn khi TH true Milk ra đời bước vào thị trường cực kỳ khốc liệt của gần 500 nhãn mác, nhập nhèm thông tin, thật – giả lẫn lộn. Trong hoàn cảnh đó tôi đã chọn cho mình một con đường: Đại dương xanh trong lòng biển đỏ, định vị TH là True Happiness – “hạnh phúc đích thực”. Bây giờ thì có chút hài lòng với những gì chúng tôi theo đuổi. Thương hiệu sữa TH đến với người tiêu dùng ngoài sự mong đợi.
Còn hài lòng hơn khi thị hiếu tiêu dùng đã chuyển dần từ sử dụng sữa bột (với nhiều chất bổ dưỡng bị mất đi vì qua hai lần xử lý nhiệt) sang sử dụng sữa tươi vẹn nguyên chất dinh dưỡng từ thiên nhiên. Có lẽ giá trị lớn nhất mà chúng tôi đóng góp cho ngành sữa là sự cạnh tranh trong đó buộc những người tham gia phải quan tâm đến chăn nuôi bò sữa mới có nguyên liệu làm sữa tươi thực chất. Hiện tại, TH chiếm tới 40% thị phần phân khúc sữa tươi của thị trường Việt Nam, sau 10 năm. Kết quả các con số nói lên tất cả.
Sự thành công của TH khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài đặt vấn đề liên doanh, nhưng bà đã từ chối, vì sao vậy?
Đúng là nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới đến với chúng tôi đặt vấn đề liên doanh. Đây là cơ hội mà có lẽ doanh nghiệp nào cũng mong muốn, nhưng tôi lại không nghĩ như vậy. Lý do họ thường đưa ra những điều khoản không thực sự có lợi cho Việt Nam và tôi không muốn trao lợi thế đồng đất Việt Nam cho nước ngoài khai thác, thay vào đó chỉ đưa công nghệ của họ về. Khi làm việc với các đối tác, bao giờ tôi cũng kiên định đặt lợi ích đất nước làm đầu.
Trong một lần thương thảo mua bò sữa với một đối tác đến từ New Zealand, tôi nhận thấy họđưa vào những điều khoản bất lợi cho Việt Nam vàtôi từ chối thẳng, đi tìm đối tác khác. Ba ngày sau đó – chính chủ tịch hội đồng quản trị của đối tác New Zealand đó đã bay sang Việt Nam và mọi điều khoản hợp đồng được thỏa thuận lại, có lợi cho cả đôi bên.
Có thể gọi bà là một phụ nữ quả cảm?
Sau này khi nói với báo chí, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đánh giá tôi và TH đúng như câu hỏi này vậy: “Phải quả cảm, phải liều, và đặc biệt, phải tin vào mình lắm mới dám chọn như vậy. Có lẽ Tổng thống Shimon Peres dám tài trợ cho TH hàng trăm triệu đô la từ lúc ban đầu khởi nghiệp là vì ông nhận ra giá trị thành công của công thức hành động “dám liều kết hợp với tự tin”.
Có cơ sở để nói rằng cách làm mạnh dạn và sáng tạo của TH đã mở đường và tạo động lực mạnh cho làn sóng đổi mới kinh doanh của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản công nghệ cao. Bây giờ, chúng ta thấy mỗi năm có trăm đoàn, hàng nghìn người Việt Nam sang Israel học kinh nghiệm và hợp tác làm ăn. Họ đang đi trên con đường mà TH đã góp công khai mở.
Con đường đó hiện không dừng lại ở Israel, cũng không giới hạn chỉ trong nông nghiệp”.
Xin cảm ơn cuộc trò chuyện nhiều tâm tình của bà!
Theo Trần Cao-Tùng Đinh/nongnghiep.vn