Tai biến khi tiêm filler làm đẹp

Thời gian qua, các bệnh viện đã điều trị nhiều ca tai biến khi làm đẹp bằng phương pháp tiêm filler. Phổ biến là những biến chứng khi tiêm filler nâng mũi gây mù mắt. Những bệnh nhân này thường nghe theo lời quảng cáo của những cơ sở spa, thẩm mỹ không phép hoặc những người hành nghề tiêm filler dạo không có chuyên môn. Điều này đã gây ra những tai biến khôn lường ảnh hưởng đến sức khỏe, nhan sắc của nạn nhân.

Tiền mất, tật mang

Filler (còn gọi là chất làm đầy), thường được dùng để tiêm xóa nếp nhăn, làm đầy môi, mũi, độn cằm… Thẩm mỹ làm đẹp với filler chỉ mất khoảng 15-30 phút. Khi đó, bác sĩ sẽ bôi thuốc tê và tiêm filler vào vùng cần làm đầy trên da. Phương pháp làm đẹp này vừa mất ít thời gian mà chi phí lại thấp hơn những phương pháp khác cũng như không bị đau đớn như phẫu thuật xâm lấn nên được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận trong việc lựa chọn cơ sở hoặc người có chuyên môn thì sẽ rất dễ xảy ra tai biến trong quá trình thực hiện.

Chỉ trong vòng một tuần, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã tiếp nhận hai bệnh nhân bị tai biến khi tiêm filler nâng mũi làm đẹp. Một bệnh nhân là anh N., 27 tuổi, ngụ Long An. Anh N. gặp biến chứng khi nâng mũi bằng phương pháp tiêm filler tại một spa. Sau vài ngày, anh phải nhập viện trong tình trạng mắt mờ, nhiễm trùng, hoại tử vùng da mũi, giảm thị lực.

Trước đó, bệnh viện này cũng đã điều trị cho một phụ nữ 35 tuổi (ngụ quận 10, TP.HCM) cũng có những biến chứng tương tự khi tiêm filler nâng mũi.

Cả hai bệnh nhân đều được điều trị bằng kháng sinh, giảm sưng nề và chăm sóc vết thương. Sức khỏe cả hai sau đó đã ổn định, tuy nhiên họ có nguy cơ mất thị lực mắt.

Những ngày đầu tháng 11, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cũng đã điều trị cho chị P.V.T (21 tuổi, ngụ Bình Phước) và một phụ nữ tên N.T.H (52 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu), cả hai trường hợp đều bị mù mắt sau tiêm filler tại spa. Kết quả thăm khám tại bệnh viện cho thấy chị T. bị thuyên tắc mạch máu phía sau võng mạc, xuất huyết kết mạc, phù giác mạc, gây mù mắt trái và bà H. cũng nhập viện trong trường hợp tương tự.

a1
Người thanh niên gặp biến chứng khi tiêm filler nâng mũi. (Ảnh: Internet).

Cần cẩn trọng khi làm đẹp

Theo bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Tạo hình – Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, trung bình mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận 1-2 trường hợp bị biến chứng nặng do tiêm filler. Một vài trường hợp đã để lại di chứng nặng nề không thể phục hồi.

Các chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ cho biết, ngoài các biến chứng thường gặp khi tiêm filler không rõ nguồn gốc tại các cơ sở chui, người thực hiện không có chuyên môn thì việc dùng filler cũng ẩn chứa một số hiểm họa có thể xảy ra như: Liệt cơ mặt, sau khi ngưng sử dụng sẽ bị tăng nếp nhăn, quá trình lão hóa da sẽ tiến triển nhanh hơn…

Do đó, để việc làm đẹp được an toàn, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không nên đến các cơ sở spa, thẩm mỹ chui, dễ gặp phải các nguy cơ gây ra những biến chứng nghiêm trọng để lại hậu quả nặng nề ảnh hưởng đến nhan sắc, sức khỏe thậm chí đôi lúc là tính mạng của mình.

Mọi người cần đến khám, tư vấn và thực hiện tại những cơ sở thẩm mỹ có giấy phép, người thực hiện phẫu thuật phải có chuyên môn, bằng cấp và các sản phẩm được sử dụng trong quá trình thực hiện phẫu thuật phải được cơ quan chức năng kiểm định.

Các chuyên gia cũng lưu ý, khi có ý định tiêm filler thì mọi người cũng nên cân nhắc bởi giá mỗi lần thực hiện khoảng 10-20 triệu đồng nhưng chỉ có hiệu quả trong vòng vài tháng. Người dùng muốn duy trì vẻ đẹp như mong muốn thì cần tiếp tục thực hiện việc tiêm filler, do đó hiệu quả kinh tế trong việc làm đẹp này không cao.

Tiêm filler có thể gặp tai biến gây mù mắt. (Ảnh: Internet).
a2
Các mẫu quảng cáo tiêm filler trên mạng. (Ảnh chụp màn hình).
Theo các bác sĩ, khi thực hiện tiêm filler nếu kỹ thuật bơm không đúng mà tiêm nhầm, filler sẽ đi vào trong mạch máu dễ gây ra tắc mạch, mù mắt. Ngoài ra, khi tiêm filler quá liều cũng có ảnh hưởng không nhỏ đối với cơ thể. Theo đó, không được tiêm quá 1cc filler vào sống mũi và không quá 0,3cc đối với vùng đầu mũi. Da sẽ bị căng, chèn mạch máu gây thiếu máu khi tiêm chất làm đầy quá liều.
Chất làm đầy thường được sử dụng trong việc làm đầy môi, thẳng mũi, độn cằm, căng da mặt bằng cách tiêm vào da với liều lượng tùy vào nơi muốn làm đẹp. Chất này sẽ tạo thành một khối mô dày nằm dưới những nếp nhăn, giúp da căng hơn hoặc có chiếc cằm như ý, giúp thẳng sống mũi, làm hở cánh mũi mà không phải sử dụng đến dao kéo. Giúp tiết kiệm thời gian thực hiện cũng như không gây đau đớn cho người sử dụng.

Theo Thuận Lê/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email