Categories Bất động sản

Hà Nội siết điều chỉnh quy hoạch, “cấm cửa” chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng

Lãnh đạo UBND TP. Hà Nội vừa ký ban hành kế hoạch tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt trên địa bàn TP. Hà Nội.

Siết chặt điều chỉnh quy hoạch, lấy ý kiến người dân

Theo kế hoạch, UBND Thành phố yêu cầu nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định quy hoạch, công tác quản lý về quy hoạch, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch. Kiểm soát việc điều chỉnh quy hoạch, việc lấy ý kiến các cơ quan tổ chức cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan khi lập và điều chỉnh quy hoạch. Xác định rõ các nội dung công việc, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, lãnh đạo Thành phố tăng cường sự phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác quản lý quy hoạch xây dựng và quản lý phát triển đô thị.

ha noi siet dieu chinh quy hoach, "cam cua" chu dau tu vi pham trat tu xay dung hinh anh 1
Cư dân Khu Đoàn ngoại giao căng băng rôn phản đối thay đổi quy hoạch.

UBND Thành phố yêu cầu các sở ban ngành, các đơn vị có liên quan của Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; Trong quá trình thực hiện cần kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc về cơ quan thường trực để tổng hợp chung, báo cáo UBND Thành phố để chỉ đạo, giải quyết.

Thời gian qua, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều dự án bất động sản tại Hà Nội đã gây nhiều lùm xùm. Đơn cử như việc cư dân Khu Đoàn Ngoại giao nhiều lần “xuống đường” phản đối việc điều chỉnh quy hoạch này.

Vừa qua, sau khi cư dân Ciputra phản đối việc điều chỉnh, UBND TP. Hà Nội cho biết sẽ không điều chỉnh quy hoạch như đề xuất của chủ đầu tư. UBND TP. Hà Nội vừa yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc, UBND quận Bắc Từ Liêm, quận Tây Hồ thông báo cho các tổ chức, cá nhân về việc không xem xét điều chỉnh quy hoạch tại các ô đất TM13 và P14 tại Khu đô thị Ciputra (Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội) như đề xuất trước đó của chủ đầu tư.

Không giao dự án mới cho chủ đầu tư đang vi phạm

Theo UBND TP Hà Nội, báo cáo của Sở Xây dựng về kết quả xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015-2016 trên địa bàn thành phố từ tháng 5/2019 đến nay, UBND các quận, huyện mới xử lý được 2/40 trường hợp, còn tồn đọng 38 trường hợp chưa xử lý, không đạt kết quả và tiến độ theo yêu cầu.

Do đó, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Hoài Đức, Thạch Thất nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chưa xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm còn tồn đọng trên địa bàn.

Dừng cấp phép mới cho những chủ đầu tư đang tồn đọng sai phạm.

Đồng thời, các quận huyện phải quyết liệt chỉ đạo các lực lượng quận, huyện, xã, phường, thị trấn tổ chức triển khai cường chế xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng năm 2015-2016 trên địa bàn thành phố theo đúng quy định pháp luật.

Hà Nội cũng yêu cầu chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã cam kết với UBND TP về tiến độ, thời gian xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng; định kỳ ngày 20 hàng tháng báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố (qua Sở Xây dựng).

Thành phố giao các Sở: Quy hoạch – Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường rà soát thủ tục hồ sơ liên quan các dự án vi phạm để đôn đốc, hướng dẫn chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ giải quyết các thủ tục theo quy định.

Trong quá trình tham gia ý kiến, thẩm định không xem xét, đề xuất giao dự án mới hoặc điều chỉnh dự án đối với nhà đầu tư vi phạm về trật tự xây dựng còn tồn đọng trên địa bàn Thành phố.

Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà đã có báo cáo gửi ĐBQH về một số nội dung về các nhóm vấn đề chất vấn và trả lời chất vấn hồi tháng 6, trong đó có công tác quản lý quy hoạch. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng chất lượng quy hoạch hiện nay nhìn chung còn thấp, việc điều chỉnh quy hoạch (bao gồm cả điều chỉnh tổng thể và điều chỉnh cục bộ), nhất là điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung, điều chỉnh quy hoạch chi tiết còn tùy tiện, không tuân thủ quy định về trình tự, thẩm quyền, thậm chí có nhiều dự án điều chỉnh trên 5 lần.

Bộ trưởng cho rằng, chất lượng quy hoạch nhìn chung còn thấp. Các biểu hiện cụ thể là: một số quy hoạch thiếu tầm nhìn xa, một số nội dung thiếu khả thi, chưa tính toán đầy đủ và thiếu các nguồn lực thực hiện; chưa đồng bộ, gắn kết giữa các cấp độ quy hoạch đô thị và giữa quy hoạch đô thị với các quy hoạch khác (quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng…); chưa gắn kết giữa việc thực hiện quy hoạch, thực hiện dự án đầu tư với kế hoạch vốn đầu tư trung hạn và hàng năm.

Bên cạnh đó, thời gian lập đồ án quy hoạch thường kéo dài so với quy định (từ 6-12 tháng đối với từng loại quy hoạch). Quy định về công bố công khai quy hoạch chưa được tuân thủ nghiêm túc, thực hiện còn mang tính hình thức, không đảm bảo yêu cầu. Việc triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa rất chậm, tỷ lệ thực hiện bình quân cả nước mới đạt 10-15% yêu cầu. Tại Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ thực hiện cắm mốc cũng chỉ đạt từ 5 - 10%.

Theo Minh Khôi/Dân Việt

Print Friendly, PDF & Email