Grab, Go-Viet, Be… đang “bắt chẹt” khách hàng?

Từ hôm qua 17/1, hàng loạt ứng dụng gọi xe công nghệ đã đồng loạt thu phụ phí dịp Tết! Đây là mùa khách đông, sử dụng nhiều lẽ ra họ phải có thêm nhiều cách thức khuyến mãi như một hình thức cảm ơn khách hàng đã ủng hộ cả năm nhưng lại làm ngược lại.

Trong khi Grab tính thêm cước phí theo chuyến , thì Go-Viet dựa trên khung giờ và quãng đường di chuyển. Riêng beBike cũng cao hơn các đối thủ khác 5.000 đồng vào khung giờ cao điểm và thu phụ phí cho tới ngày 10 Âm lịch.

Từ 22/1 đến 29/1 (28 Tết đến mùng 5 Tết Âm lịch), mức phụ thu đối với GrabBike và GrabCar lần lượt là 10.000 đồng/chuyến và 15.000 đồng/chuyến. Go-Viet cũng thu phụ phí 10.000 đồng/đơn hàng vào ban ngày, 15.000 đồng/đơn hàng đối với dịch vụ GoBike từ 17/1 đến 22/1.

Từ 29 Tết đến mùng 5 Tết Âm lịch, đặt GoBike đi dưới 2 km sẽ tính phụ thu 20.000 đồng, di chuyển trên 2 km phụ thu 5.000 đồng/km. Phụ phí ban đêm trong thời gian này là 10.000 đồng/đơn hàng.

Còn phụ phí của dịch vụ beBike cao hơn các hãng khác 5.000 đồng vào khung giờ cao điểm và phụ thu đến ngày 10 Âm lịch. BeBike, phụ phí dao động 5.000-15.000 đồng, với BeCar là 10.000-20.000 đồng. BeBike đi tỉnh 1 chiều phụ phí 25.000 đồng, 2 chiều là 50.000 đồng; BeCar đi tỉnh 1 chiều thu thêm 100.000 đồng, 2 chiều là 200.000 đồng. Đáng nói nhất là giá cước của BeDelivery cho 2 km đầu tiên thay đổi từ 14.500 đồng thành 24.500 đồng (tăng 10.000 đồng) từ 17/01 đến 03/02!?

Đây không phải là Tết đầu tiên các hãng này phụ thu và tăng phí vào những ngày cao điểm. Họ viện dẫn đủ lý do như đường đông, chi phí cao, tài xế ít, làm dịp Tết… để biện minh cho lối làm ăn này. Trên thực tế không phải như các hãng xe chở khách chạy đường dài thường chiều về rất vắng khách, đại đa số xe công nghệ chạy đến đâu khách đặt xe ở đó nên chỗ nào họ cũng có thể đông khách. Dường như nguyên tắc khách càng đi nhiều, dịch vụ càng đông người sử dụng thì chi phí càng thấp đã bị các hãng xe công nghệ “ngó lơ” trong thời gian này.

Do đường đông, nhu cầu đi lại tăng cao nên rất nhiều khách đã chọn xe công nghệ để đi lại. Tuy nhiên ngày thường họ được khuyến mãi nhiều dù khách không nhiều nhưng ngày Tết đắt khách thì lại bị “bắt chẹt” tăng giá khá cao dưới tên gọi “phụ phí”. Thời gian qua, do dịp triển khai Nghị định 100 xử phạt nặng người lái xe có nồng độ cồn nên người đi dự tiệc tùng cuối năm thường chọn xe công nghệ và đây cũng là dịp để các hàng xe tăng giá với lý do “giờ cao điểm”.

Trước đây khi bị các hãng taxi phản đối do phá giá, cạnh tranh không lành mạnh, các hãng xe công nghệ mà nhất là Grab thường “cầu cứu” khách hàng ủng hộ mình vì những tiện lợi, dịch vụ và nhất là giá cả hợp lý. Nhưng khi đã chiếm được thị phần, kéo được khách hàng và có lợi trong cuộc đua với taxi, xe ôm truyền thống thì nhiều hãng xe công nghệ lại quay ra “bắt chẹt” khách như dịp Tết này.

Biết rằng hành khách, người tiêu dùng có thể chọn hay không đi xe công nghệ nhưng chỉ trong thời gian ngắn rất khó để họ tìm cách đi lại khách trừ việc tốn thêm tiềm trả phụ thu, phụ phí mà chỉ có hãng xe mới có quyền quyết định, tiếng nói của người tiêu dùng chẳng có tác dụng gì trong dịp này. Có lẽ chỉ đến khi nào các hãng xe công nghệ phải trả giá hay bị quay lưng do thì khi đó họ mới thôi bỏ đi cái lợi cho riêng mình.

                                                                                                                                                           Theo Phan Nguyễn/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email