Categories Thị trường

Gạo Việt ngon nhất – để niềm vui không chỉ ít ngày

Danh hiệu “Gạo ngon nhất thế giới” mà gạo ST25 của Việt Nam vừa được trao tặng có lẽ không chỉ là thành tích để tô điểm cho những con số hay báo cáo đẹp. Mà từ đây gạo Việt Nam đã có thể đàng hoàng sánh vai với các loại gạo nổi tiếng thế giới và những giá trị thực thu về chắc chắn sẽ lớn hơn.

Là người Việt, chúng ta tự hào về những dòng tin này: “Tại cuộc thi World’s Best Rice trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 11 do The Rice Trader tổ chức tại Manila – Philippines, một dòng lúa thơm thuộc giống ST của Việt Nam lần đầu tiên được gọi tên “Gạo ngon nhất thế giới”. Đây là dòng lúa do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm sản xuất gạo chất lượng cao của Sóc Trăng như kỹ sư Nguyễn Thu Hương và TS Trần Tấn Phương lai tạo”.

Tự hào bởi không ít lần trăn trở khi giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại rất thấp so với các quốc gia xuất khẩu khác do thương hiệu chưa đủ lớn, chất lượng chưa đủ tạo được niềm tin. Vui mừng do từ đây có thể khẳng định với bạn hàng rằng gạo Việt Nam có tên tuổi, ngon lành và tiếng tăm không thua kém quốc gia nào. Trước đây, Việt Nam có thể quảng cáo, PR và tự ca ngợi mình nhưng điều đó chỉ có giá trị theo kiểu “con hát mẹ khen”, còn giờ đây ST25 đã là minh chứng cho chất lượng hạt gạo Việt Nam.

Gạo ST25 của Việt Nam lần đầu tiên được gọi tên “Gạo ngon nhất thế giới”.

Tôi xin chép lại tâm sự của Anh hùng lao động Hồ Quang Cua, “cha đẻ” loại gạo “ngon nhất thế giới” để chúng ta thấy con đường đến danh hiệu đáng mừng này không ít gian truân. Ông Cua nói: “Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không? Thế là trong đầu tôi suy nghĩ đến giống lúa thơm cho Việt Nam và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng được hình thành và tồn tại từ tới ngày hôm nay. Và để có kết quả này tôi và các cộng sự đã mất hơn 20 năm ròng rã âm thầm lội ruộng, nghiên cứu, lai tạo…”.

Dù vui nhưng để kéo dài thành quả thì không phải chỉ danh hiệu là đủ. Dù có thể ngẩng đầu tuy nhiên một vài giống lúa cùng lời khen ngắn hạn chưa hẳn đã giúp hạt gạo nước nhà chắc chắn một vị thế lâu dài. Liệu có thể an lòng hay tự mãn khi gạo ST25 của Việt Nam xuất khẩu có giá cao nhất chỉ 750-800 USD/tấn, còn gạo Thái Lan với phẩm chất tương tự lên đến 1.100-1.200 USD/tấn? Thậm chí, gạo Campuchia có chất lượng chỉ tương đương giống ST5 của Việt Nam cũng bán được ra thị trường thế giới với giá đến 600 USD/tấn, trong khi Việt Nam xuất với giá 550 USD/tấn!

Ông Nguyễn Đình Bích – nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng giải thưởng gạo ngon nhất thế giới dành cho một giống gạo của Việt Nam là tín hiệu tốt, cho thấy người Việt Nam đã chú trọng sản xuất gạo chất lượng cao. Tuy nhiên, hầu hết giống gạo đoạt giải của Việt Nam đều đang có quy mô sản xuất nhỏ, chưa phổ biến. Phần lớn gạo của Việt Nam vẫn là giống ngắn ngày, chất lượng chưa cao, sử dụng phân bón hóa học “vô tội vạ”. Nên nhìn thẳng như thế để có một chiến lược dài hơi và đúng đắn.

Chắc chắn cơ quan quản lý sẽ có những giải pháp để “được mùa” giá không xuống hoặc không chỉ chất lượng mà giá cả hạt gạo Việt sẽ không thua kém bất kì nước nào. Rồi đây không chỉ nông dân, nhà phân phối, xuất khẩu mà cả nhà khoa học sẽ đưa ra bằng được cách thức để gạo Việt Nam ngang hàng với các loại gạo trên thế giới. Nhưng từ lúc này, dù hơi muộn, đừng vì số lượng mà quên chất lượng hay lợi ích cục bộ, thành tích riêng lẻ của một vài doanh nghiệp, tỉnh thành mà bỏ qua lợi ích quốc gia, tiếng tăm lớn lao của sản phẩm Việt. Chỉ khi nào đồng tâm, hiệp lực và cùng nhìn về mục đích tốt đẹo thì nông sản Việt mới vững vàng vươn xa.

Theo Phan Nguyễn/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email