Đèo Ô Quý Hồ và một Sa Pa đã khác

Cũng như rất nhiều du khách khác, tôi đến Sapa trong tâm trạng háo hức khi nghĩ đến việc sẽ được tận hưởng khung cảnh tuyệt vời của “thành phố trong sương” vào những ngày cuối thu.

Những cỗ máy san lấp đồi khai thác đá

Xe đi đến đèo Ô Quý Hồ – một trong những con đèo được mệnh danh dài, hiểm trở và đẹp hàng đầu Việt nam, cảm giác thót tim ngay lập tức không chỉ do những đoạn “cùi chõ”, những khúc cua chênh vênh, mà còn do những ổ gà, ổ voi xuất hiện khá dày như thách thức cả những tay lái kinh nghiệm nhất. Chiều mới bắt đầu, thành phố lô nhô phía dưới kia hiện ra, ẩn hiện trong một khối mờ ảo. Không lẽ giờ này đã có sương? Nghe tôi thắc mắc, anh lái xe khẽ cười buồn: Không phải sương mù đâu! Bụi đấy. Cái bay bổng nên thơ càng như rơi tuột xuống khi đập vào mắt mọi người là những con đường nham nhở, những mảng đồi trọc lóc và nhất là những mảng núi bị vạt không thương tiếc, sắc xanh của rừng bị thay phũ phàng bằng sắc vàng của những mảng đất đá trơ ra, nhìn như khuôn mặt tự cào nát của Chí Phèo và âm hưởng thi vị của “rừng chiều âm vang, tiếng lá non gọi gió” bị nuốt chửng trong tiếng ầm ì chát chúa của những cỗ máy cào ủi san lấp đồi, khai thác đá.

Chập choạng tối, Sa Pa rực rỡ trong đủ loại sắc đèn, rực rỡ đến chói chang. Nhiều du khách, ta lẫn Tây đi tản bộ trên những con đường lởm chởm đá dăm và những vỉa hè chẳng còn lành lặn, tương phản một cách gay gắt với cái phồn hoa không hề che giấu của những khách sạn cao cấp, những nhà hàng năm sao và cả những quán bar mang đậm phong cách Tây. Một thổ địa ở đây giải thích một cách lúng túng: Sa Pa đang xây dựng mà! Nhưng biết bao giờ cái gọi là “xây dựng” mới xong khi những chiếc xe tải chở đầy gạch đá cứ ì ầm chạy đi giữa phố xá ngày này qua ngày nọ. Phải chăng để trả giá cho sự xây dựng và phát triển, Sa Pa giờ mang hình hài của một cô gái quê lên phố, gót còn phèn nhưng sực nức dầu thơm và khuôn mặt thì đậm phấn son.

Chợ tình lãng mạn ở Sa Pa đã không còn.

Chợ tình nhưng chẳng còn tình

Tối cuối tuần, Sa Pa có chợ tình. Tôi háo hức hòa cùng dòng người đổ về phía quảng trường để tham dự. Văng vẳng từ xa là tiếng nhạc mang âm hưởng Tây Bắc được phát ra khá lớn từ chiếc loa phóng thanh. Không khèn, không nam nữ đu đưa tình tứ, không chàng nàng lúng liếng đưa duyên, chỉ thấy đám đông tò mò cùng các em bé người Dao đang nắm tay nhau nhảy múa rồi thỉnh thoảng dừng lại… xin tiền! Chợ tình nhưng chả thấy tình đâu, dù là tình hoang dại một đêm hay tình tứ đời thường của những đôi trai gái.

Sợ sẽ thất vọng thêm nữa, tôi cùng những người bạn quyết định rời đi. Trời càng tối, Sa Pa càng lạnh. Chỉ khi đến nơi này, tôi mới cảm nhận hết cụm từ “ lạnh thấu xương “, cái lạnh gắt, đanh, xộc thẳng và náu lại rất lâu. Hai bên đường, có rất nhiều hàng quán nho nhỏ mọc lên, bán những thứ quà vặt như bắp nướng, khoai nướng. Bánh tráng nướng ở đây khá ngon, loại bánh mà nhiều người gọi đùa là pizza phố núi khi nó được tổng hợp của các loại nguyên liệu như xúc xích, trứng, phô mai, thịt nguội… Và một loại hình dịch vụ khác cũng hút khách không kém cạnh tại xứ sở này, là tắm thuốc và mát xa bàn chân. Trong cái lạnh và tối, hình ảnh những du khách nằm cuộn tròn trong chăn trên những chiếc ghế dài để được lưu thông máu huyết cho đôi chân sau một ngày đèo dốc mỏi mệt nhìn có gì đó rất ấm áp và dễ chịu.

Sẽ là một thiếu sót lớn nếu nói đến Sa Pa mà không nói đến những người dân tộc sinh sống ở đây. Họ không nhiều, nhưng như những đóa hoa trong khu vườn rộng, họ toát nên sự duyên dáng lạ kỳ và tạo nên cái hồn, cái vía cho nơi này. Người dân tộc ở Sa Pa chủ yếu là người H’Mông và Dao. Họ hiện diện trong nhiều loại hình dịch vụ, từ nhà hàng, quán xá, các chương trình biểu diễn ở những khu vui chơi hay trên đường phố cho đến những điểm chợ phiên, khu du lịch. Họ tụ tập lại thành nhóm rồi đi bán túi xách, khăn choàng, áo gối thổ cẩm. Tuy có ai đó nhíu mày vì sự đeo bám của họ, nhưng dầu vậy, cũng khó có thể biến cái nhíu mày thành bực bội khó chịu bởi cái nét chân chất, dễ thương và nhất là sự chịu khó những con người dù bị tác động không ít bởi cái gọi là “kinh tế thị trường”.

Những đứa trẻ gà gật ngủ trong sương

Trời về khuya, trên những vỉa hè buốt giá xuất hiện rất nhiều những em bé người H’Mông, Dao ngồi co ro hoặc nằm ngủ trong chiếc chăn mỏng quấn chặt, ngay bên cạnh những món hàng lưu niệm được bày bán. Nhìn những khuôn mặt xinh đẹp như thiên thần gà gật hoặc đắm chìm trong giấc ngủ bụi bặm, người chạnh lòng dừng lại nhét cho ít bạc lẻ, người ngần ngừ rồi bước đi. Nhưng chắc chắn, hình ảnh các em như những bông hoa dại ấy sẽ khó có thể phai mờ.

Sa Pa có những nhà hàng, khách sạn lộng lẫy đang mọc lên với tốc độ siêu nhanh, nhưng cũng có con đường “dốc cao khúc khuỷu dốc thăm thẳm” đầy bụi mờ che lối đi vào Tà Phình. Sa Pa có những đoàn người bán dạo chèo kéo du khách, nhưng cũng có nụ cười sơn cước long lanh. Sa Pa có chợ tình chẳng còn chút tình, nhưng cũng có tiếng khèn văng vẳng hay rượu táo mèo ngọt đầu môi. Sa Pa có một hệ thống cáp treo lên đỉnh Fanxipan hiện đại bậc nhất Việt Nam nhưng cũng có mây trắng lửng lơ bồng bềnh tiên cảnh.

Và giờ đây, Sa Pa đã không còn sương mù. Cái sương mù tinh khôi thanh khiết trong như mắt bé con người Dao sau một giấc ngủ ngon trên vỉa hè hoang lạnh.

 Theo Vương Liễu Hằng/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email