Bộ trưởng Nông nghiệp ‘khoe’ nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn nghìn tỉ

Làm sao dứt điểm câu chuyện chăn nuôi với chế biến để không còn tình trạng dư thừa, giá thấp khiến nông dân phải lao đao? Nhiều câu hỏi được ĐBQH đặt ra cho Bộ trưởng Nông nghiệp vào sáng nay 6.11.

Lợn đưa vào giết mổ tại MNS Meat Hà Nam phải trải qua 3 khâu kiểm dịch đảm bảo không có mầm bệnh. (Hoàng Phan)

Trả lời các câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường thông tin ngành chăn nuôi lợn thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào khâu giết mổ, chế biến, trong đó có Masan đã đầu tư cả nghìn tỉ đồng xây nhà máy giết mổ, chế biến, sản xuất thịt lợn thành 36 sản phẩm khác nhau.

Có đầu ra

Trong phiên trả lời chất vấn sáng 6.11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận được nhiều câu hỏi về giải pháp xử lý dứt điểm kết nối chăn nuôi, sản xuất với chế biến và tiêu thụ để sản phẩm ngành nông nghiệp Việt Nam không còn tình trạng dư thừa, giá thấp phải kêu gọi giải cứu. Trong đó, một số ĐBQH nhắc đến câu chuyện Bộ NN-PTNT từng phải kêu gọi doanh nghiệp, người dân hỗ trợ giải cứu thịt lợn khi chăn nuôi cung vượt quá cầu, giá thịt xuống thấp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, không riêng gì chăn nuôi nói chung, ngành nông nghiệp phải có khâu chế biến để gia tăng giá trị, tạo nền tảng để phát triển bền vững. Trong đó, khâu giết mổ và chế biến vẫn còn đang là vấn đề trăn trở rất lớn của Bộ NN-PTNT. Chia sẻ thông tin với các ĐBQH tại phiên trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng “xin thông báo”, ngành chăn nuôi lợn có thêm một nhà máy giết mổ của Tập đoàn Masan có vốn đầu tư lên tới 1.100 tỉ đồng, công suất giết mổ 1,4 triệu con lợn một năm và thịt lợn được chế biến ra hơn 30 sản phẩm khác nhau. Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, trong năm tới sẽ có thêm một nhà máy giết mổ, chế biến thịt lợn nữa được xây dựng và đưa vào hoạt động tại tỉnh Long An.
MNS Meat Hà Nam có dây chuyền giết mổ, chế biết hiện đại. (Hoàng Phan)
Cụ thể hơn, công trình được Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường nhắc đến chính là tổ hợp chế biến và sản xuất thịt lợn theo tiêu chuẩn thịt mát là Nhà máy MNS Meat Hà Nam, đặt tại khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam được khánh thành cuối năm 2018. Đây là nhà máy chế biến thịt tươi đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng chỉ toàn cầu BRC về an toàn thực phẩm trong chế biến, sản xuất thịt mát.

Thịt an toàn đến tay người dùng

Mở cửa trở lại từ đầu tháng 8 vừa qua do chịu ảnh hưởng dịch tả lợn châu Phi, MNS Meat Hà Nam hiện đạt công suất giết mổ trên 400 con lợn/ngày. Trước lo ngại dịch tả lợn châu Phi, nhà máy này đang áp dụng 3 tuyến kiểm dịch từ khi lợn xuất khỏi trại nuôi cho đến khi ra sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Lợn được kiểm dịch đảm bảo sức khỏe, không mang mầm bệnh mới được xuất trại, đưa vào nhà máy và 100% sản phẩm thịt lợn được kiểm tra an toàn mới được xuất bán ra thị trường.
Sản phẩm thịt lợn Meat Deli được kiểm tra chặt chẽ trước khi đưa ra thị trường.(Hoàng Phan)
MNS Meat Hà Nam hiện cung cấp sản phẩm thịt mát cho hai thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với 320 điểm bán qua các hệ thống của MEATDeli và chuỗi siêu thị Vinmart, CoopMart và CoopXtra. Công ty kỳ vọng doanh thu thuần đạt 400 – 500 tỉ đồng vào năm 2019 và hệ thống phân phối bảo quản lạnh đạt hơn 650 điểm vào cuối năm nay. MML đã chiếm lĩnh hơn 55% thị phần thịt lợn tại hệ thống VinMart, gần đây đã đưa sản phẩm vào CoopMart và dự kiến sẽ đạt hơn 30% thị phần thịt lợn tại đây vào cuối năm 2019.
Cũng theo thông tin từ Masan, sau MNS Meat Hà Nam, tập đoàn này sẽ đầu tư thêm dự án tổ hợp chế biến thịt lợn mát, thịt mát các loại tại Long An với quy mô 140.000 tấn sản phẩm/năm. Sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thịt như thịt kho trứng, giò lụa, chà bông và các sản phẩm khác từ thịt, quy mô 15.000 tấn sản phẩm/năm. Dự án được đầu tư mới hoàn toàn với vốn đầu tư cho giai đoạn 1 lên tới 1.300 tỉ đồng và dự kiến hoạt động chính thức từ tháng 12.2020.
Theo Phan Hậu/ThanhNiên
Print Friendly, PDF & Email