Hậu Covid-19, Quảng Ninh, Quảng Bình, Huế chủ động kích cầu du lịch nội địa

Để khôi phục lại lượng khách du lịch bị sụt giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Bình, Thừa Thiên – Huế đều xác định trọng tâm vào khách nội địa và chủ động đưa ra nhiều giải pháp để kích cầu du lịch.

Trong quý I/2020 khách du lịch đến Hạ Long chỉ đạt 43% so với cùng kỳ năm ngoái.Ảnh minh họa.

Tại Hội nghị “Thời điểm vàng để khám phá du lịch Việt Nam” diễn ra vào chiều ngày 16/5 tại FLC Sầm Sơn, Thanh Hóa, đại diện lãnh đạo một số tỉnh thành đã chia sẻ những khó khăn đối với ngành du lịch địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như những giải pháp chủ động mà các tỉnh đưa ra để vực dậy hoạt động du lịch.

Lượng khách và tổng thu từ du lịch đều giảm trên 70%

Ông Cao Tường Huy – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh xác định du lịch là một ngành mũi nhọn. Năm 2019, Quảng Ninh đón trên 14 triệu khách, trong đó hơn 5 triệu khách quốc tế, gần 10 triệu khách nội địa, đóng góp 12,5% vào GRDP. Năm 2020 tỉnh đặt mục tiêu đón gần 16 triệu khách, gồm 6,5 triệu lượt khách quốc tế và hơn 10 triệu khách trong nước.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thừa nhận “đang đứng trước một nguy cơ rất cao là không hoàn thành mục tiêu đề ra về thu hút khách du lịch năm nay”.

Ông Cao Tường Huy – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VNE

Cụ thể, trong quý I/2020, tổng khách du lịch đến Quảng Ninh giảm 72%, trong đó khách quốc tế giảm 70%, khách nội địa giảm 75%. Tổng thu từ du lịch trong quý I/2020 giảm 72% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng Hạ Long, trong quý I/2020 khách du lịch đến chỉ đạt 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù vậy, ông Cao Tường Huy tin tưởng rằng, trước đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Ninh cũng như cả nước đã vượt qua những cuộc khủng hoảng như SARS 2003, khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, H5N1… Do đó, ông cho rằng, ở thời điểm khó khăn tinh thần sáng tạo lại càng được phát huy để vươn lên tìm ra những giải pháp căn cơ.

Ông cho biết, lãnh đạo tỉnh đã họp bàn đưa ra rất nhiều giải pháp cụ thể. Về chính sách, cách đây 4 ngày HĐND tỉnh Quảng Ninh đã họp ban hành nghị quyết hỗ trợ kích cầu với rất nhiều ưu đãi, như miễn giảm lệ phí với tất cả khách đến tham quan Hạ Long, khu du tích Yên Tử, bảo tàng…trong vòng 2 tháng với tổng số tiền miễn giảm hơn 200 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh cũng quyết định miễn thuế VAT cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành, đề nghị cho phép chậm nộp thuế doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội; thuế đất với các khách sạn, nghỉ dưỡng, khu vui chơi…

Về thị trường, chính quyền động viên các doanh nghiệp cho ra sản phẩm mới trong tháng 5-6, đồng thời, tăng cường quảng bá kích cầu du lịch, du lịch an toàn, thành lập Liên minh Kích cầu du lịch Quảng Ninh…

Miễn giảm thuế, phí, tăng cường quảng báo để kích cầu du lịch nội địa

Cũng tại hội nghị, ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, ngay khi đại dịch có xu hướng giảm, tỉnh đã triển khai một đề án kích cầu du lịch.

Theo đó,  trong giai đoạn trước lễ 30/4 tới 7/5, tỉnh đã miễn phí vé thăm quan Đại Nội. Sau đó, tỉnh tiếp tục đề nghị HĐND giảm 50% phí tham quan từ ngày 8/5 đến 31/7. Thời gian tiếp theo, UBND tỉnh được phép chủ động giảm phí tham quan.

Ông Phan Thiên Định, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ảnh: VNE

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế đánh giá hoạt động của các đơn vị lữ hành trong thời gian tới sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn vì khách hàng có xu hướng đi theo nhóm cá nhân hoặc gia đình nhiều hơn. Việc đặt hàng đi du lịch qua mạng là tất yếu.

Do đó, lãnh đạo tỉnh sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị lữ hành xây dựng MV quảng bá qua mạng; thúc đẩy gói kích cầu du lịch, giảm giá phòng, đưa ra các gói giảm giá 20% – 30%; xây dựng chương trình điểm đến an toàn, ở khách sạn 4 sao với chi phí phải chăng…

Ngoài ra, tỉnh cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cho phép tăng thêm tần suất chuyến bay Huế – Hà Nội, Huế – TP.HCM để đáp ứng nhu cầu của khách đến Huế.

Đồng quan điểm, ông Hồ An Phong, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho rằng, khi các đường bay quốc tế bị hạn chế, cần tăng cường các đường bay nội địa để đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước.

Ông cho biết, thời điểm này mục tiêu hướng đến của du lịch Quảng Bình là khách nội địa trong thời gian vắng bóng khách quốc tế.

“Tuy nhiên, nói là phát triển nội địa, nhưng thực lực của thị trường chưa thực sự mạnh, khi trẻ em phải đi học, hoạt động sản xuất cần duy trì… nên chỉ kích cầu nội địa để lấy đà khôi phục hoàn toàn, tạo ra một ưu thế mới”, ông nói.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, tất cả các tỉnh, đặc biệt là địa phương có điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam, từ Chính phủ đến bộ ngành địa phương đều có các giải pháp tình thế rất kịp thời. Hiện cơ chế nhà nước đã rất thông thoáng, doanh nghiệp của Việt Nam cũng rất sáng tạo.

Ông cho biết, trước ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh không quá bi quan vì từng có kinh nghiệm với cuộc khủng hoảng Formosa 2017. Thời điểm đó, tỉnh chỉ mất 6 tháng để phục hồi hoàn toàn. “Địa phương chúng tôi chịu đựng được, tôi tin rằng cộng đồng du lịch cũng sẽ phục hồi”, ông nói.

Theo HOÀNG HÀ/BizLIVE

Print Friendly, PDF & Email