Hạn chế xe cá nhân, thu phí ô tô vào trung tâm TP.HCM như thế nào

Đề án này bắt đầu xây dựng từ 2016 với khá nhiều ý kiến tranh cãi sẽ được thực hiện ra sao trong những năm tới!

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM dự thảo “Đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP”. Đề án này bắt đầu xây dựng từ 2016 với khá nhiều ý kiến tranh cãi sẽ được thực hiện ra sao trong những năm tới!

Theo đề án do Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) nghiên cứu và xây dựng thì dự kiến khi hoàn thiện mạng lưới vận tải hành khách công cộng như metro, xe buýt nhanh… đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, TP.HCM sẽ tiến tới các bước thu phí ôtô vào trung tâm và kiểm soát xe cá nhân.

Theo lộ trình dự thảo đề án nêu, từ năm 2021-2030 sẽ mở rộng mạng lưới xe buýt, đảm bảo kết nối đến các vùng đô thị, đầu mối giao thông, hoàn thiện các dự án có khối lượng vận tải lớn như metro, xe buýt nhanh…

Khi vận tải hành khách đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tùy từng khu vực TP sẽ triển khai các giải pháp kiểm soát xe cá nhân, tổ chức lại giao thông cho xe hai, ba bánh tại khu vực trung tâm.

Đối với nhóm giải pháp kiểm soát xe cá nhân, đề án nêu sẽ bổ sung phí ô nhiễm môi trường vào danh mục các loại phí lệ phí, phân vùng hoạt động của xe hai, ba bánh phù hợp với điều kiện cơ sở hạ tầng, năng lực của vận tải công cộng giai đoạn từ 2021-2025. Tổ chức và thu phí ôtô lưu thông vào khu vực trung tâm thực hiện từ năm 2021-2030.

Từ năm 2026-2030, các giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát xe cá nhân và giải pháp hỗ trợ sẽ được triển khai đồng bộ. Từ đó tiến tới điều chỉnh lưu thông và hạn chế xe hai, ba bánh tại một số khu vực trung tâm TP.

Đề án được xây dựng trên cơ sở thực trạng của hệ thống giao thông TP, hiện đang có hơn 8 triệu xe cá nhân. Sau khi UBND TP.HCM xem xét sẽ trình đề án cho HĐND TP xem xét thông qua trong kỳ họp tới. Theo đề án này thì TP.HCM cần 393.792 tỉ đồng, trong đó bao gồm các dự án giao thông đang triển khai hoặc đã có chủ trương đầu tư như metro, xe buýt nhanh…

Đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm TP và hạn chế xe cá nhân manh nha từ 2010 nhưng do giao thông công cộng chưa phát triển, lúc đó TP chỉ có phương tiện công cộng duy nhất là xe buýt nên gặp nhiều ý kiến phản đối. Việc thu phí xe ô tô vào trung tâm cũng đã định làm từ nhiều năm trước nhưng không nhận được sự đồng thuận cao đã tạm dừng cho đến khi đề án này “nhắc lại”.

Với thực trạng giao thông như hiện nay và kinh nghiệm của các đô thi lớn trên thế giới thì việc hạn chế xe cá nhân sớm muộn gì cũng phải làm. Giờ chỉ còn chọn thời điểm và cách thức, tuy nhiên với việc đến nay chưa có tuyến metro nào hoàn thành và đến 2030 cũng khó hoàn tất kết nổi các tuyến metro đã dự định xây thì việc tìm phương tiện thay thế vẫn là bài toán nan giải.

Còn xe buýt, phương tiện công cộng chuyên chở nhiều hành khách nhất hiện nay và trong vòng 3-5 năm nữa lại có những con số rất đáng lo ngại. Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, giai đoạn 2014-2018, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt liên tục giảm sản lượng, bình quân giảm 6,65%/năm. Năm 2019, sản lượng khách hệ thống xe buýt chỉ đạt khoảng 255 triệu lượt hành khách, giảm 12,1% so với mức 289,9 triệu lượt hành khách so với năm 2018!

Đề án trên sẽ được ủng hộ về chủ trương và nhìn về tương lại chắc chắn phải thực hiện. Nhưng với hệ thống giao thông công cộng tại TP.HCM trong vòng 10 năm nữa thì làm cách nào để người dân an tâm và không muốn dùng xe cá nhân nữa là rất khó trả lời.

Nếu không đáp ứng được đề án trên rất khó khả thi và ngược lại. Giờ đây chỉ còn trông chờ các tuyến metro sớm hoàn thành, khách đi xe buýt tăng dần trở lại và thêm các phương tiện công cộng khác thì có lẽ không cần kêu gọi hay hạn chế, người dân sẽ tìm đến giao thông công cộng vì lợi ích của chính họ.

Theo Phan Hùng/Chất lượng&cuộc sống

Print Friendly, PDF & Email