Đừng lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng

Vụ Khaisilk lắng xuống không lâu, Asanzo chưa ngã ngũ thì nhãn hiệu thời trang khá tiếng tăm Seven. AM bị tố cắt nhãn mác Trung quốc thay bằng nhãn Việt Nam!

Vụ Khaisilk lắng xuống không lâu, Asanzo chưa ngã ngũ thì nhãn hiệu thời trang khá tiếng tăm Seven. AM bị tố cắt nhãn mác Trung quốc thay bằng nhãn của mình! Đúng sai ra sao, cơ quan chức năng sẽ phán xử nhưng cùng với hàng loạt vụ việc hàng Trung quốc đội lốt hàng Việt thời gian qua thì người tiêu dùng càng phải cảnh giác và thận trọng.

Không phải tất cả hàng Trung quốc đều chất lượng kém và chẳng nên dùng. Hội nhập thương mại cũng không thể “tẩy chay” hay đóng cửa với bất kỳ hàng hóa của quốc gia nào. Nhưng người tiêu dùng muốn hàng ở đâu nên ghi xuất xứ ấy để họ dễ lựa chọn. Họ càng không thể chấp nhận giả mạo nhãn mác, nơi sản xuất để lừa dối, qua mặt và móc túi phi pháp ngày này qua tháng nọ.

Bài học Khaisilk dường như chỉ là “gió thoảng mây bay” cho nên có thương hiệu lớn, tưởng chừng nội địa và do bàn tay người Việt gầy dựng cuối cùng cũng bị lộ mặt hàng Trung quốc chất lượng thấp! Đại diện Seven.AM giải thích rằng: Cắt mác ở cổ áo vì khách hàng kêu ngứa, còn những chỗ khác như mác trên sườn áo nhãn mác vẫn còn. Các sản phẩm nào là hàng Trung Quốc đều được nói rõ với khách hàng, còn sản phẩm nào là hàng Việt Nam đều do Seven.AM thiết kế, sản xuất.

Bài học Khaisilk dường như chỉ là “gió thoảng mây bay” cho nên có thương hiệu lớn, tưởng chừng nội địa và do bàn tay người Việt gầy dựng cuối cùng cũng bị lộ mặt hàng Trung quốc chất lượng thấp!

Nhiều khách hàng mong Seven.AM nói thật và lý do để các doanh nghiệp khác bán hàng Trung quốc đội lốt hàng Việt có thể chấp nhận. Nhưng những lý do kiểu như “khách hàng kêu ngứa” hoàn toàn không thuyết phục và rất khó chấp nhận. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và trắng đen sẽ sáng tỏ và chẳng ai muốn một doanh nghiệp làm ăn tốt, đàng hoàng lại phá sản. Tuy nhiên nên sớm thay đổi tư duy ăn xổi ở thì, lập lờ đánh tráo xuất xứ và lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng để kinh doanh tử tế thì mới có được chỗ đứng vững chắc trong thói quen mua sắm của họ.

Không chỉ những vụ việc trên mà chẳng khó để tìm những mặt hàng thời trang, tiêu dùng, điện máy… dù mang danh hàng Việt nhưng 90% “hồn xác” làm tại nước ngoài và thậm chí có thứ chỉ thay vội vào dòng chữ trên sản phẩm rồi bán ra với quảng cáo hàng Việt 100%! Bị bắt không ít, xử lý cũng rất nhiều và xử phạt thường rất nặng nhưng lợi nhuận, kiếm tiền nhanh đã che mờ tất cả để rồi cứ ít ngày lại rộ lên thêm vài ba vụ. Đáng ngạc nhiên và rất đáng lo ngại là vụ sau có khi lớn hơn, tinh vi hơn và quy mô hơn vụ trước!?

Luật đã có đầy đủ, cơ quan “canh cổng”, kiểm tra, xử lý cũng khá nhiều, người tiêu dùng đã cảnh giác hơn trước… nhưng chưa đủ để những vụ gian lận thương mại biến mất. Sẽ nguy hại hơn cho nền kinh tế nếu hàng hóa ấy được xuất sang nước thứ ba, nơi mà họ sẵn sàng trừng phạt cả nước cho “quá cảnh” như Mỹ đã từng làm với nhiều nước khác.

Còn trong nội địa, người tiêu dùng sẽ xói mòn lòng tin bởi thật giả lẫn lộn, gian thương trà trộn với doanh nhân làm ăn đàng hoàng. Lừa dối người tiêu dùng và qua mặt cơ quan quản lý, có thể kiếm rất nhiều, giàu rất nhanh nhưng khả năng vướng vào lao lý cũng rất lớn. Hàng loạt vụ án lớn và những án tù nặng nề đã và sẽ là lời cảnh báo nghiêm khắc cho các gian thương!

Theo Phan Nguyễn/Người tiêu dùng

Print Friendly, PDF & Email